Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 1

Đền Thờ Đầy Vinh Hiển

Khải-huyền 15:6-8

"Đền thờ bèn đầy những khói, vì có sự vinh hiển và oai quyền của Đức Chúa Trời." (c. #8) Câu hỏi suy ngẫm: Nơi chí thánh của đền tạm có hòm giao ước của Đức Chúa Trời là biểu tượng về gì? Đền thờ đầy khói nói lên điều gì? Tại sao không ai được vào đền thờ lúc bấy giờ? Bạn có dạn dĩ đến gần Đức Chúa Trời không? Trong nơi chí thánh của đền tạm có hòm giao ước và nắp thi ân là nơi ngoài thầy tế lễ thượng phẩm mỗi năm vào một lần với huyết sinh tế trong ngày Đại Lễ Chuộc Tội thì không một ai khác được vào đó. Nơi ấy tượng trưng sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Khi Môi-se cử hành lễ khánh thành đền tạm trong đồng vắng thì "áng mây bao phủ hội mạc và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời đầy dẫy đền tạm, đến nỗi Môi-se vào chẳng đặng vì áng mây bao phủ ở trên và sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va đầy dẫy đền tạm" (Xuất Ê-díp-tô Ký 40:34-35). Khi vua Sa-lô-môn cử hành lễ khánh thành đền thờ Giê-ru-sa-lem và cầu nguyện xong thì "lửa từ trời giáng xuống đốt của lễ thiêu và các hi sinh, sự vinh quang của Đức Giê-hô-va đầy dẫy trong đền" (II Sử-ký 7:1). Trong khải tượng, Ê-sai cũng thấy đền thờ đầy những khói (Ê-sai 6:4). Và đây, sứ đồ Giăng thấy "đền thờ đầy những khói vì cớ sự vinh hiển và oai quyền của Đức Chúa Trời (c. #8). Tất cả những hiện tượng ấy nói lên sự hiện diện của Đức Chúa Trời vinh hiển và oai quyền. Mỗi khi nhơn danh Chúa Giê-xu nhóm họp trong đền thờ, chúng ta tin có sự hiện diện của Chúa, nên cách ăn mặc và cử chỉ cần tỏ ra sự kính trọng Chúa. Tại sao "chẳng ai được vào đền thờ" (c. #8 b)? Thời Cựu Ước thì luật lệ về đền tạm rất nghiêm khắc, ai trái luật bị chết. Trong thời Tân Ước, chúng ta "nhờ huyết Đức Chúa Giê-xu mà dạn dĩ vào nơi chí thánh" (Hê-bơ-rơ 10:18) và "vững lòng đến gần ngôi ơn phước" (Hê-bơ-rơ 4:16). Cảm tạ ơn Chúa về đặc ân ấy! Khải-huyền 15:8b nói rằng "chẳng ai được vào đền thờ" chỉ trong thời gian thiên sứ trút bảy bát thạnh nộ của Đức Chúa Trời mà thôi, cho nên câu ấy cũng tiếp theo là "cho đến chừng nào bảy tai nạn của bảy thiên sứ được trọn". Câu ấy có ý là trong khi bảy thiên sứ trút bảy bát thạnh nộ của Đức Chúa Trời xuống đất, chẳng ai được vào đền thờ hay đến trước sự hiện diện của Chúa mà cầu thay. Đức Chúa Trời là Đấng nhân từ nhưng cũng là Đấng thánh khiết công nghĩa, sự thạnh nộ của Ngài vẫn ở trên những ai không tin nhận Con Ngài là Chúa Giê-xu (Giăng 3:36). Tác giả Hê-bơ-rơ tả Đức Chúa Trời là "đám lửa hay thiêu đốt" (Hê-bơ-rơ 12:29). Khi thời kỳ ân sủng đã qua thì chỉ còn sự hình phạt, không ai có thể đến trước sự hiện diện của Chúa mà cầu thay cho ai được nữa. Xin Chúa giúp con ý thức được sự hiện diện của Ngài và sự công nghĩa thánh khiết của Ngài để sống một cách đẹp lòng Ngài.

(c) 2024 svtk.net