Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 4

Tổ Phụ Của Đức Tin

Rô-ma 4:1-17

"Những kẻ có đức tin là con cháu thật của Áp-ra-ham... Ai tin thì nấy được phước như Áp-ra-ham, là người có lòng tin" (Ga-la-ti 3:7,9). Câu hỏi suy ngẫm: Theo Phao-lô, đức tin của Áp-ra-ham quan trọng ra sao? Tại sao Áp-ra-ham được gọi là tổ phụ của đức tin? Đức tin đem lại những phước hạnh nào? Đức tin của Áp-ra-ham, cũng như của chúng ta ngày nay, ảnh hưởng thế nào trên người khác? Người công chính theo Kinh Thánh có nghĩa là người có mối tương quan đúng đắn với Đức Chúa Trời. Người Do Thái trong thời Phao-lô tin rằng nhờ việc làm, con người được xưng công chính trước mặt Đức Chúa Trời. Vì thế người Do Thái xem Áp-ra-ham là gương mẫu cho một cuộc đời công chính nhờ việc làm của ông (Sáng-thế Ký 26:4, 5). Ngược lại, Phao-lô khẳng định Áp-ra-ham là gương mẫu của một cuộc đời công chính nhờ đức tin. Phao-lô giải thích việc Áp-ra-ham chịu cắt bì, tức việc làm, đến sau khi ông được kể là công chính chứ không phải là điều kiện phải có để được xưng công chính. Việc Áp-ra-ham chịu cắt bì ghi trong Sáng Thế 17:10 xảy ra sau khi "Áp-ra-ham tin Đức Giê-hô-va thì Ngài kể sự đó là công bình cho người" (Sáng-thế Ký 15:6). Chính tin vào lời Chúa hứa, Áp-ra-ham hành động theo tiếng gọi của Ngài và điều này khiến ông được kể là công chính. Nhờ đức tin ông có được mối liên hệ đúng đắn với Chúa. Phép cắt bì không phải là điều kiện nhưng là dấu hiệu của một người đã được bước vào mối tương quan đúng đắn với Chúa. Phao-lô trích dẫn Thi-thiên 32:1, 2 để chứng tỏ phước hạnh về sự tha thứ tội lỗi, tức sự xưng công chính, không chỉ cho người chịu cắt bì nhưng còn cho người không chịu cắt bì nữa. Nói cách khác, dầu người Do Thái hay người ngoại bang đều được xưng công chính nhờ đức tin. Và cơ nghiệp Chúa hứa cho Áp-ra-ham cũng là cơ nghiệp Chúa dành cho những ai theo gương đức tin của ông (Ga-la-ti 3:7-9). Nêu trường hợp Áp-ra-ham, Phao lô muốn dùng hình ảnh đức tin trong Cựu Ước để giải thích công tác cứu chuộc của Đức Chúa Trời được thực hiện trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ta được cứu không phải bởi việc làm hay công đức nhưng bởi đức tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu. Cũng như phép cắt bì của Áp-ra-ham, việc làm hay công đức của ta chỉ là dấu hiệu của một đời sống đã bước vào mối tương giao đúng đắn với Đức Chúa Trời. Nói cách khác, chúng ta không phải làm việc lành để được cứu nhưng được cứu để làm việc lành. Lạy Chúa, xin giúp con nhìn Áp-ra-ham như là gương mẫu về đức tin để được xưng công chính. Xin giúp con thể hiện những việc lành như là dấu hiệu của một người đã được cứu.

(c) 2024 svtk.net