Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 31

Tinh Thần Tận Hiến

Giăng 12:1-11

Câu hỏi suy ngẫm: Việc Ma-ri xức dầu cho Chúa mang ý nghĩa nào? Hành động này tương phản thế nào với thái độ của Giu-đa? Việc Ma-ri xức dầu và sự hi sinh của Chúa dạy cho chúng ta bài học nào? Câu chuyện Chúa được xức dầu được cả bốn sách Phúc Âm ghi lại. Trong Phúc Âm Giăng, Chúa Giê-xu được xức dầu trước khi vào thành Giê-ru-sa-lem (#12:12-19) trong Ma-thi-ơ (#26:6-13) và Mác (#14:3-9) thì thứ tự ngược lại. Cho dầu tường thuật việc Chúa được xức dầu trước khi vào Giê-ru-sa-lem thì Giăng vẫn ghi lại những chi tiết cho thấy việc xức dầu liên hệ đến cái chết của Chúa Giê-xu. Trong câu #1, Giăng đề cập đến lễ Vượt Qua vì đó là một biến cố lịch sử khi chiên con bị giết mang ý nghĩa biểu tượng về cái chết của Chúa Giê-xu. Giăng cũng đề cập tới La-xa-rơ, người được Chúa kêu sống lại, vì cả Chúa Giê-xu và La-xa-rơ đều là đối tượng của sự tiêu trừ (#11:55-57); 12:10,11). Tại đây cũng nói đến sự phản bội của Giu-đa (câu #4) và việc Chúa sẽ bị chôn (câu #7). Những chi tiết này của Giăng nhằm nhấn mạnh câu chuyện Chúa chịu xức dầu như là việc dọn đường cho cái chết của Ngài. Nói cách khác, việc xức dầu được xem là hành động tôn thờ Chúa Cứu Thế là Đấng Mết-si-a, Đấng chịu xức dầu sắp chịu chết. Hành động tôn thờ của Ma-ri nổi bật khi được mô tả trong tương phản với Giu-đa (câu #4-6), một con người tính toán, giả dối (câu #6) và đã bắt đầu trở thành công cụ của Sa-tan. Ma-ri và Giu-đa, hai con người đối nghịch, có cái nhìn khác nhau về giá trị. Ma-ri không nói, chỉ bày tỏ tấm lòng bằng một hành động và cả nhà thơm phức mùi dầu. Hành động này là một đáp ứng đối với ân sủng của Chúa. Của cải vật chất không là gì đối với người kinh nghiệm ân sủng Chúa. Lấy tóc mà lau (câu #3), một biểu tượng về sự tôn thờ Chúa Cứu Thế. Trong khi đó Giu-đa đưa ra những lời phê phán, chỉ trích. "Nuôi kẻ nghèo" không hẳn là dấu hiệu của sự tận hiến xâu xa cho Chúa hay đồng loại. Giu-đa hướng về chính mình, nhìn Chúa Giê-xu như một phương tiện, còn Ma-ri hướng về Chúa Giê-xu là nền tảng của mọi giá trị. Mọi sự vật chỉ có giá trị trong liên hệ với Chúa và nhằm phục vụ cho Ngài. Hành động của Ma-ri được xem là biểu tượng của tình yêu, biểu tượng của sự từ bỏ, biểu tượng cái chết về chính mình để sống bằng sự sống của Chúa. Nếu Giu-đa coi việc Ma-ri xức dầu cho Chúa là sự phung phí thì cũng coi cái chết của Ngài là sự phung phí. Giu-đa không biết rằng Chúa bằng lòng bỏ mạng sống để nhờ đó nhiều người được cứu. Nếu muốn, Chúa có thể rời vườn Ghết-sê-ma-nê lên núi để khỏi bị bắt, nhưng Ngài đã bằng lòng hi sinh. Với Ma-ri, xức dầu cho Chúa là cách tôn thờ, một hành động tự phát, không tính toán. Trong sự dâng hiến, đối với người này là sự tận hưởng hạnh phúc, trong khi đối với người khác có thể đó là sự phung phí. Hội Thánh có thể đầy những hành động của Ma-ri nhưng cũng đầy tiếng chỉ trích của Giu-đa. Như khi người đàn bà góa dâng tất cả những gì mình có để nuôi sống (Mác 12:43, 44), bà đã tìm được những giây phút hạnh phúc. Một cái gì được dâng hiến, ban cho, tuy không lên tiếng nhưng diễn tả thật nhiều. Tấm lòng của Ma-ri luôn luôn được nhắc đến để dạy cho chúng ta tinh thần tận hiến. Lạy Chúa, xin cho con sẵn sàng dâng cho Chúa những gì tốt nhất của đời sống, vì chính Ngài đã hi sinh tất cả cho con.

(c) 2024 svtk.net