Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 11

Người Môn Đồ Hoài Nghi

Giăng 20:19-31

"Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin" (câu #29). Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Thô-ma hoài nghi về sự phục sinh của Chúa? Bằng cách nào Chúa đánh tan sự nghi ngờ của Thô-ma? Bạn có thường nghi ngờ về những vấn đề liên hệ đến niềm tin của mình không? Bằng cách nào bạn đối phó với những nghi ngờ? Ngoài danh sách các sứ đồ, Thô-ma còn được đề cập ba lần khác trong Giăng. Trong Giăng 11:14-16, lúc La-xa-rơ chết, Thô-ma muốn đi với Chúa về lại xứ Giu-đa để cùng chết với Chúa. Lúc đó chúng ta không thấy dấu hiệu nào của sự nghi ngờ. Trong Giăng 14:1-5, Thô-ma hỏi đường lên trời. Tại đây Thô-ma có vẻ thắc mắc về điều Chúa nói hơn là nghi ngờ. Và trong Giăng 20:24-29, chúng ta được biết khi Chúa hiện ra sau phục sinh thì không có Thô-ma ở với các môn đồ. Khi các môn đồ bảo họ đã thấy Chúa phục sinh thì Thô-ma không tin. Thô-ma nói với họ rằng ông chỉ tin khi nào thấy tận mắt và rờ tận tay vào những dấu đinh của Chúa. Tại đây Thô-ma tỏ vẻ nghi ngờ về sự phục sinh của Chúa. Thật ra, hoài nghi là tâm trạng chung của mọi người. Chúng ta đôi khi cũng nghi ngờ về Chúa, về sự cứu rỗi, về ý muốn Ngài. Sự nghi ngờ đôi khi phát xuất từ lòng chân thành. Như trường hợp người cha của cậu bé bị quỉ ám được chữa lành sau khi Chúa hóa hình trên núi, ông ta bày tỏ sự hoài nghi khi nói "Nếu thầy làm được" và rồi "Tôi tin, xin Chúa giúp đỡ trong sự không tin của tôi" (Mác 9:24). Trường hợp này sự hoài nghi phát xuất từ lòng chân thành của người cha. Tuy nhiên, cũng có sự hoài nghi phát xuất từ lòng kiêu ngạo và tâm trí tội lỗi, đòi hỏi những chứng cớ theo cách riêng của mình trước khi chấp nhận. Loại hoài nghi này thường mang tính cách thách đố và thật sự không bao giờ muốn tin. So với những người không dám đối diện với hoài nghi, những người có sự hoài nghi chân thành thường sẽ có đức tin mạnh mẽ hơn sau khi giải tỏa được những hoài nghi. Đức tin thường được thử luyện bằng những hoài nghi. Vì thế hoài nghi không phải là vấn đề. Sự nghi ngờ của Thô-ma, một người đã từng muốn cùng chết với Chúa, có thể do tâm trạng tuyệt vọng đến nỗi không thể tin rằng Chúa sống lại. Vì thế Chúa cho phép Thô-ma rờ vào những vết thương của Ngài để đánh tan sự nghi ngờ. Từ nghi ngờ Thô-ma được Chúa dẫn đến đức tin: "Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi." Ông kinh nghiệm cách cá nhân về Chúa phục sinh và trở thành nhân chứng của Chúa. Theo truyền thống, Thô-ma được Chúa sai đi truyền giáo tại Ấn Độ. Lạy Chúa, xin cho cho kinh nghiệm về Chúa nhiều hơn để đánh tan những nghi ngờ của lý trí. Xin Chúa cho con đức tin cho dù chưa kinh nghiệm, vì như Chúa dạy, có thứ đức tin không cần mắt thấy (câu #29).

(c) 2024 svtk.net