Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 15

Lời Chào Thăm

I Ti-mô-thê 1:1-2

"Cầu xin Thượng Đế là Cha và Cứu Chúa Giê-xu, Chúa chúng ta ban cho con ân phúc, tình thương và bình an" (câu #2 TKHĐ). Câu hỏi suy ngẫm: Danh hiệu "sứ đồ" có ý nghĩa gì? Giữa sứ đồ Phao lô và Ti-mô-thê có mối liên hệ nào? Lời mở đầu bức thư này bày tỏ cho chúng ta những lẽ thật nào về Đức Chúa Trời và Chúa Giê-xu? Theo lối viết thư của người xưa trong thế kỷ thứ nhất, phần mở đầu thư thường đề cập đến tên người viết thư, tên người nhận thư, và lời chào thăm. Đọc những thư tín của Phao-lô viết cho các Hội Thánh, ta thấy ông cũng thường hay viết theo cách đó. Mở đầu thư, Phao-lô cho biết ông là tác giả của bức thư, và nói ông: "vâng mạng Đức Chúa Trời là Cứu Chúa chúng ta và vâng mạng Đức Chúa Giê-xu Christ là sự trông cậy của chúng ta, làm sứ đồ của Đức Chúa Giê-xu Christ." Trong Tân Ước, chữ "sứ đồ" có nhiều nghĩa. Theo nghĩa rộng, "sứ đồ" chỉ về những người công bố Phúc Âm (Công-vụ các Sứ-đồ 14:14; I Cô-rinh-tô 4:6,9; Php 2:25; I Tê-sa-lô-ni-ca 2:6). Theo nghĩa hẹp, "sứ đồ" chỉ về những người (a) được Chúa Cứu Thế chọn lựa, kêu gọi, và sai đi; (b) được chứng kiến tận mắt những lời nói, việc làm và sự sống lại của Chúa Cứu Thế; và (c) được Thánh Linh ban cho ân tứ sứ đồ. Trong câu #1 này, từ "sứ đồ" được dùng theo nghĩa hẹp. Phao-lô nói ông vâng mạng Đức Chúa Trời và Chúa Cứu Thế Giê-xu làm sứ đồ. Chữ "vâng mạng" có thể dịch là "theo lịnh". Phao-lô làm sứ đồ chẳng phải tự ý mình nhưng do Chúa kêu gọi qua khải tượng trên đường đến Đa-mách. Phao-lô đã làm chứng về sự kêu gọi đó cho vua Ạc-ríp-ba: "(Muôn tâu), từ đó tôi chẳng hề dám chống cự với sự hiện thấy trên trời" (Công-vụ các Sứ-đồ 26:19). Cũng vậy, điều cần nhất trong đời sống chúng ta ngày nay là mọi việc làm phải theo thánh ý Đức Chúa Trời. Chính Chúa Giê-xu đã nêu gương cho chúng ta trong việc vâng lời Đức Chúa Cha. Hê-bơ-rơ 10:7 chép: "Tôi đến để làm theo ý muốn Chúa." Câu #2 cho biết người nhận thư là "Ti-mô-thê, con thật của ta trong đức tin." Đức Chúa Trời đã dùng Phao-lô dắt đưa Ti-mô-thê về với Ngài, nên giữa hai người có một mối liên hệ chặt chẽ như cha và con trong đức tin. Chắc chắn ngoài Ti-mô-thê, Phao-lô còn có nhiều người con khác trong Chúa nữa. Sự thực này nhắc chúng ta nên dắt đưa nhiều người đến với Chúa, nhất là con cái và người nhà của mình. Phao-lô chào thăm Ti-mô-thê với lời chúc "ân phúc, sự thương xót và sự bình an." Các hạnh phước này đều từ Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà đến. Ngày nay con người muốn có những phước hạnh này thì phải tin Đức Chúa Trời là Cha và tiếp nhận Giê-xu Christ làm Chúa Cứu Thế. Điều ta học được nơi nhân vật Ti-mô-thê là: "Người là con thật của Phao-lô trong đức tin." Đê-ma cũng từng theo Phao-lô hầu việc Chúa, tuy nhiên sau đó người đã ham hố đời này và lìa bỏ Phao-lô. Nhưng đối với Ti-mô-thê, Phao-lô đã làm chứng rằng, người "là con yêu dấu của tôi, cũng là trung thành trong Chúa. Thật vậy, tôi không có ai như người đồng tình với tôi để thật lòng lo về việc anh em; ai nấy đều tìm lợi riêng của mình, chớ không tìm của Đức Chúa Giê-xu Christ. Nhưng anh em đã biết sự trung tín từng trải của người; và biết người là trung thành với tôi về việc Tin Lành, như con ở với cha vậy" (I Cô-rinh-tô 4:17; Php 2:20-22). Cảm tạ Chúa vì chỉ trong Ngài con mới tìm thấy ân phúc, tình thương, bình an, và hi vọng.

(c) 2024 svtk.net