Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 16

Giáo Sư Giả

I Ti-mô-thê 1:3-11

"Mục đích chức vụ con là gây dựng tình thương bắt nguồn từ tấm lòng thánh khiết, lương tâm trong sạch và đức tin chân thật" (câu #5 TKHĐ). Câu hỏi suy ngẫm: Những giáo sư giả ở đây là ai? Họ dạy những tà thuyết nào? Phao-lô khuyến cáo Ti-mô-thê điều gì? Ngày nay chúng ta đang đối diện với những tà thuyết nào? Làm thế nào để giữ vững đức tin trước những tà thuyết như thế? Các câu Thánh Kinh trên bày tỏ sự quan tâm của Phao-lô đối với các giáo sư giả. Những người này đã lẻn vào Hội Thánh để truyền bá một giáo lý khác. Họ phổ biến "phù ngôn và gia phổ vô cùng, là những điều gây nêu sự cãi lẫy, chớ chẳng bổ sự mở mang công việc Đức Chúa Trời, là công việc được trọn bởi đức tin." "Những người kia" hoặc "những giáo sư giả kia là ai?" Quan điểm 1 cho rằng "những giáo sư giả kia" là những kẻ thuộc vào nhóm người được nói đến trong 1:20, "không giữ đức tin trong sạch nên bị chìm đắm như Hê-mê-nê và A-léc-xan-đơ." Quan điểm 2 quả quyết "những giáo sư giả kia" là gồm cả hai nhóm người trên như được nói đến trong quan điểm 1 và 2. Tuy nhiên, quan điểm 2 là hợp lý nhất, bởi lẽ: (1) nhóm người này chưa bị kết tội giảng dạy tà giáo, nhưng chỉ là giảng dạy giáo lý mới; (2) họ chỉ bị khuyến cáo chớ chưa bị dứt phép thông công như Hê-mê-nê và A-léc-xan-đơ; và (3) nếu đức tin họ bị chìm đắm, họ cũng sẽ bị chỉ tên ra như những người trong 1:20. Còn "những phù ngôn và gia phổ vô cùng" mà những giáo sư giả giảng dạy là gì? Có người cho rằng đây là những gia phả huyền hoặc có liên quan đến Trí Huệ giáo, như được đề cập trong I Ti-mô-thê 4:3; 6:20: "Họ cấm cưới gả, và biểu kiêng các thức ăn Đức Chúa Trời đã dựng nên cho kẻ có lòng tin và biết lẽ thật, tạ ơn mà dùng lấy. Hỡi Ti-mô-thê... hãy tránh những lời hư không phàm tục và những sự cãi lẽ bằng tri thức ngụy xưng là tri thức." Người khác thì nói rằng đây là những truyền thuyết, huyền thoại về các tộc trưởng thời Cựu Ước. Đó cũng là điều mà Phao-lô dặn bảo Tít: "Đừng lưu ý đến những chuyện hoang đường của người Do Thái và các giới luật kiêng khem của những người đã khước từ chân lý. Con nên tránh xa những cuộc tranh luận dại dột, những tranh chấp thần học, những cãi vã về luật pháp Do Thái, vì những điều đó là vô ích và tai hại" (Tít 1:14; 3:9). Lời giải thích này phù hợp với điều Phao-lô muốn nói. Từ câu #5-11, Phao-lô khuyến cáo những kẻ "muốn làm thầy dạy luật mà không hiểu điều mình nói và tin tưởng." Ông bày tỏ rằng mục đích của sự răn bảo là gây dựng tình thương bắt nguồn từ tấm lòng thánh khiết, lương tâm trong sạch và đức tin chân thật. Nhưng những giáo sư giả muốn người ta vâng giữ luật pháp vốn ban hành vì cớ những kẻ phạm tội (câu #9b-10) chớ chẳng phải cho người công chính. Nếu chúng ta yêu Chúa với cả tấm lòng và yêu người lân cận như chính bản thân, thì chẳng cần phải để ý đến luật pháp nữa (Ma-thi-ơ 22:37-40). Chúng ta nên nhận biết là sẽ có thời kỳ "người ta không muốn nghe dạy chân lý, nhưng chiều theo dục vọng, tập họp nhiều giáo sư dạy những lời bùi tai. Họ xây tai không nghe chân lý nhưng hướng về chuyện hoang đường." Vậy, chúng ta "phải bình tỉnh sáng suốt trong mọi việc, chịu đựng gian khổ, lo truyền bá Phúc Âm, làm tròn nhiệm vụ của đầy tớ Chúa" (II Ti-mô-thê 4:3-5).

(c) 2024 svtk.net