Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 27

Chiến Thắng Đau Khổ

I Phi-e-rơ 2:19-25

"Chịu đau khổ cũng là việc Thượng Đế giao cho anh em. Chúa Cứu Thế đã chịu khổ vì anh em và làm gương sáng cho anh em" (câu #21 TKHĐ). Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Kinh Thánh nói nhiều đến đau khổ? Phi-e-rơ viết thư cho những người đang chịu sự đau khổ nào? Đau khổ thường kéo chúng ta lại gần Chúa hay xa Chúa? Bằng cách nào Phi-e-rơ khích lệ chúng ta trong sự chịu khổ? Trong khi đau khổ là một trong những vấn đề mà nhiều người muốn né tránh thì Kinh Thánh lại nói nhiều đến đau khổ. Điểm quan trọng là Kinh Thánh không chỉ nói đến đau khổ nhưng còn cho chúng ta cách đương đầu và cách giải quyết vấn đề đau khổ. Trong phân đoạn này, Phi-e-rơ hướng dẫn chúng ta trên hành trình trải qua những khổ đau và những giòng bão tố của cuộc đời. Khi nói đến đau khổ, chúng ta không chỉ nói đến sự đau đớn về thể xác khi bị bịnh tật, thương tích..., nhưng còn nói đến những nỗi khổ về tinh thần, chẳng hạn khi có người thân qua đời, hôn nhân đổ vỡ, những mơ ước không thành... Đau khổ là một thực tại, một phần của của đời sống con người trên đất. Gióp 14:1 đã nói: "Loài người bởi người nữ sinh ra, sống tạm ít ngày đầy dẫy sự khốn khổ." Trong phân đoạn này, Phi-e-rơ nói với những người đang chịu khổ, không phải vì những nguyên nhân tự nhiên, nhưng vì bị bách hại. Những kẻ bách hại muốn làm cho con cái Chúa đau khổ. Có những người chịu khổ vì đã làm những việc sai quấy, nhưng có người vì cớ đức tin, vì cớ làm lành. Chúa thường dùng đau khổ để kéo chúng ta lại gần Chúa hơn và nghe tiếng Ngài rõ hơn. Qua đau khổ chúng ta học được nhiều về tình yêu và sự bình an của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, nhiều lúc đau khổ cũng có thể làm chúng ta xa Chúa thay vì gần Chúa. Đau khổ làm chúng ta tốt hơn hay tồi tệ. Điều này tùy thuộc vào thái độ của ta đối với đau khổ. Phi-e-rơ nhắc lại sự chịu khổ của Chúa Giê-xu (câu #22-24). Thật ra, mục đích Chúa chịu khổ trước hết không phải là làm gương cho chúng ta, nhưng để gánh tội và chữa lành chúng ta (câu #24). Tuy nhiên, khi Chúa đối diện với đau khổ, thái độ yên lặng "phó thác nỗi oan khiên cho Đấng xử đoán công bình" của Ngài là gương cho chúng ta. Theo Phi-e-rơ chịu khổ là một ơn phước. Khi nhận thức chịu khổ là một "ơn phước" (câu #20), một "sự kêu gọi" (câu #21), là "việc Chúa giao" (câu #21 TKHĐ) cho, thì chúng ta sẽ không thể né tránh nhưng hãy vui mừng thuận phục ý muốn Chúa là Đấng Chăn Chiên Lớn đang chăm sóc linh hồn mình (câu #25). Đây chính là bí quyết giúp chúng ta chiến thắng đau khổ. Xin Chúa giúp con học biết Chúa nhiều hơn để noi dấu chơn Ngài trong những thử thách.

(c) 2024 svtk.net