Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 7

Đối Tượng Tôn Thờ

Công-vụ các Sứ-đồ 17:22-31

"Chúa đã tạo điều kiện cho con người tìm kiếm Ngài và cố gắng vươn lên để tìm gặp Ngài, tuy nhiên Chúa chẳng cách xa ai cả" (câu #27, TKHĐ). Câu hỏi suy ngẫm: Người A-thên có tinh thần tín ngưỡng như thế nào? Bằng cách nào Phao-lô dựa vào văn hóa của họ để giới thiệu về Chúa? Phao-lô mô tả thế nào về đối tượng niềm tin mà ông rao giảng? Phương cách giới thiệu Chúa của Phao-lô có thể áp dụng thế nào cho người Việt Nam? Dân thành A-thên là những người sùng đạo và Phao-lô đã ca ngợi: "Tôi nhận thấy quí vị có tinh thần tín ngưỡng cao độ trong mọi lãnh vực" (câu #22,TKHĐ). Có lẽ đây là ưu điểm của người A-thên. Có "tinh thần tín ngưỡng cao độ trong mọi lãnh vực" còn hơn là không có tín ngưỡng gì cả, ít ra là về mặt đạo đức và lối sống giữa đời. Tuy nhiên vấn đề ở đây là họ đã thờ mọi đối tượng, mọi thứ thần linh, thực ra họ chẳng thờ ai cả. Lòng tín ngưỡng phải hướng về một đấng, một đối tượng rõ ràng. Tôn giáo là hành trình đi tìm câu trả lời cho những vấn của đời sống, nhưng hành trình đức tin phải có một nơi để hướng tới. Hành trình tôn giáo của người A-thên không đưa đến một đích điểm nào vì họ hướng về mọi phía, ngay cả hướng về "vị thần không biết" (câu #23 a). Đối tượng thờ phượng của họ thật mơ hồ, vì thế niềm tin của họ không có điểm tựa. Trong khung cảnh văn hóa của họ, Phao-lô chỉ cho họ thấy Chúa mà họ không biết đó chính là Đức Chúa Trời mà ông rao giảng, tức đối tượng mà đức tin Cơ Đốc đang hướng tới. Trong các câu #24-31, Phao-lô cho người A-thên thấy đối tượng niềm tin ông rao giảng thật rõ ràng: Ngài là Đấng tạo hóa, Chúa của trời đất, Ngài là nguồn sống, là Đấng quan phòng, Đấng quan tâm và gần gũi con người cũng là Đấng công bình và đoán phạt. Phao-lô cũng trích dẫn văn chương truyền thống của người A-thên để nhấn mạnh rằng "trong Ngài chúng ta sống, động, và hiện hữu" (câu #28), vì thế Ngài là Đấng đáng để chúng ta tôn thờ. Đối chiếu giữa Đức Chúa Trời là Đấng tạo hóa với các thần tượng vô tri do con người tạo ra, Phao-lô nhấn mạnh Ngài là sự sống hay nguồn sống. Chỉ khi chúng ta liên kết với Chúa lúc đó mới nhận được và sống bằng sự sống của Ngài. Chúng ta chỉ liên kết được với Ngài khi nhìn biết Ngài là "Đức Chúa Trời có một và thật" và nhờ đó chúng ta nhận được sự sống. Sự sống đời đời là nhìn biết Cha, Đức Chúa Trời duy nhất. Cách để chúng ta học biết về Đức Chúa Trời là học biết về Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu là tiêu điểm để chúng ta nhìn xem, hướng tới, vì qua Ngài ta nhìn biết Đức Chúa Trời. Không có đối tượng rõ ràng để nhìn ngắm và hướng tới thì đời sống tôn giáo ta vô nghĩa, như trường hợp người A-thên. Nhưng ta chỉ có thể nhìn biết Cha khi nhìn biết Chúa Giê-xu là Đấng đến để giải bày Cha cho ta biết. Chúng ta có thể mộ đạo nhưng nếu sự mộ đạo đó không hướng ta về một đối tượng đáng tôn thờ thì sự mộ đạo chỉ luống công vô ích. Tạ ơn Đức Chúa Trời vì Ngài đã bày tỏ chính mình Ngài qua Chúa Cứu Thế Giê-xu để con nhận biết Ngài. Xin giúp con hết lòng, hết sức, hết trí yêu kính và tôn thờ Ngài, vì Ngài đáng được như vậy.

(c) 2024 svtk.net