Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 16

Giờ Vinh Quang

Giăng 17:1-5

"Con đã tôn vinh Cha trên đất, làm xong mọi sự Cha giao Con làm" (câu #4). Câu hỏi suy ngẫm: Giờ vinh quang của Chúa là giờ nào? Tại sao cái chết của Chúa trên thập tự là một vinh quang? Bằng cách nào Chúa Giê-xu tôn vinh Cha trên đất? Bằng cách nào chúng ta cùng bước vào vinh quang với Chúa? Các sách Phúc Âm cho biết Chúa Giê-xu nhiều lần cầu nguyện với Đức Chúa Cha (xem Mác 1:35; Lu-ca 6:12). Lời cầu nguyện trong đoạn Kinh Thánh này là lời cầu nguyện dài nhất của Chúa Giê-xu được ghi lại trong các sách Phúc Âm. Như một Thầy Tế Lễ, Chúa Giê-xu dâng lời cầu nguyện cho chính Ngài (câu #1-5), cầu nguyện cho các môn đồ của Ngài sẽ còn ở lại thế gian (câu #6-19), và cầu nguyện cho Hội Thánh hoàn vũ (#20-26). Câu #1-5 là lời cầu nguyện để chuẩn bị chính Ngài cho cái chết. Khi xưng Đức Chúa Trời là Cha, Chúa Giê-xu muốn bày tỏ mối liên hệ thân thiết giữa Ngài với Đức Chúa Trời. Mối liên hệ này chính là nền tảng và mô hình cho sự hợp nhất giữa các môn đệ Ngài (câu #22, 23). Lời cầu nguyện với tư cách thầy tế lễ thượng phẩm cũng là lời tôn vinh. Chúa Giê-xu được vinh quang khi Ngài dâng chính Ngài như một sinh tế. Ở đây, sự khổ nạn của Chúa được trình bày như một vinh quang. Trong Giăng 13:1, cái chết cận kề của Chúa được gọi là " giờ vinh quang đã đến." Trên thập tự giá, Chúa không phải là nạn nhân bất lực trước nỗi thống khổ, nhưng là vị vua chiến thắng đang nhận lấy vương miện vinh quang. Thành ngữ "giờ đã đến" được dùng nhiều lần trong Phúc Âm Giăng cho thấy chức vụ cũng như cái chết của Chúa Giê-xu không phải là chuyện tình cờ, ngẫu nhiên, nhưng đã được định trước theo sự khôn ngoan thiên thượng (xem Giăng 2:4; 7:6; 7:30; 12:23; 13:1). Câu #2 chữ "quyền phép" (hay "uy quyền" trong TKHĐ) chỉ về thẩm quyền của Chúa trên tất cả vật thọ tạo. Vinh quang và quyền tể trị của Chúa Giê-xu được phục hồi sau khi Ngài đã tôn vinh và làm trọn công tác Đức Chúa Trời giao cho trên đất (câu #4). Nói cách khác, Chúa Giê-xu đã làm vinh hiển Đức Chúa Trời trên đất bằng cách hy sinh để làm trọn công tác cứu chuộc. Và khi sứ mạng trên đất hoàn tất cũng là lúc chính Chúa Giê-xu được vinh quang. Sự hy sinh của Chúa Giê-xu biến thành vinh quang cho Ngài và sự cứu rỗi cho thế giới (câu #5). Sự sống đời đời chính là nhận biết và bước vào vinh quang của Đức Chúa Trời và Chúa Cứu Thế Giê-xu (câu #3). Xin Chúa giúp con noi gương hi sinh của Chúa để có thể bước vào vinh quang với Ngài.

(c) 2024 svtk.net