Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 17

Yêu Thương Đồng Bào

Rô-ma 9:1-5

"Tôi ước ao có thể chính mình bị dứt bỏ, lìa khỏi Đấng Christ, vì anh em bà con tôi theo phần xác, tức là dân Y-sơ-ra-ên." (c. #3) Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Phao-lô đau đớn về đồng bào ruột thịt của ông? Phao-lô đã bộc lộ tâm tình của ông như thế nào trong phân đoạn này? Bạn được nhắc nhở làm gì cho bà con thân yêu và quê hương dân tộc chúng ta? Thư Rô-ma từ chương 9 đến 11 trình bày về chương trình cứu rỗi của Chúa dành cho người Do Thái. Đây là huyền nhiệm mà ngay sứ đồ Phao-lô sau ghi giải bày cũng đã thốt lên: "Ôi, sâu nhiệm thay là sự giàu có, khôn ngoan và thông biết của Đức Chúa Trời! Sự phán xét của Ngài nào ai thấu được, đường nẻo của Ngài nào ai hiểu được! Vì ai biết ý tưởng Chúa, ai là kẻ bàn luận của Ngài?" (#11:33,34). Trong phân đoạn này, ta thấy tâm tình của Phao-lô đối với người đồng hương, ông gọi họ là "bà con tôi theo phần xác" (c. #3). Đây là nói về người Do Thái, vì chính Phao-lô cũng là người Do Thái (Công-vụ các Sứ-đồ 22:3; II Cô-rinh-tô 11:22). Phao-lô bày tỏ tấm lòng chân thành của ông đối với đồng bào. Câu #1, Thánh Kinh Hiện Đại dịch như sau: "Tôi xin chân thành bộc bạch, trong Chúa Cứu Thế tôi không dám nói ngoa, có Thánh Linh chứng giám và lương tâm tôi xác nhận." Sở dĩ Phao-lô phải rào đón dài dòng trước khi đi vào vấn đề vì những điều ông sắp nói rất mạnh, có thể bị hiểu lầm. Ông nói: "Tôi ước ao có thể chính mình bị dứt bỏ, lìa khỏi Đấng Christ, vì bà con tôi theo phần xác" (c. #3). Câu này nghĩa là: "Tôi sẵn lòng chịu Chúa Cứu Thế khai trừ và bị khổ hình vĩnh viễn, miễn là cứu vớt được anh em đồng bào ruột thịt" (TKHĐ). Đây là câu nói bày tỏ lòng yêu thương đồng bào mãnh liệt. Sở dĩ Phao-lô đã nói như vậy vì trong khi đi truyền giáo, ông thấy dân ngoại đáp ứng với Phúc Âm nhiệt thành, còn người đồng hương lại chống đối và đả phá (Công-vụ các Sứ-đồ 13:44-48). Không bao lâu sau khi viết thư này, Phao-lô về Giê-ru-sa-lem và đã bị chính người Do Thái bắt nộp cho chính quyền La Mã. Phao-lô đau xót vì lòng cố chấp của người đồng hương, nên ông cho biết nếu có thể được ông cũng sẵn sàng hy sinh sự cứu rỗi của chính mình để đồng bào được cứu. Đây cũng là tâm tình của Môi-se ngày xưa, khi dân Do Thái phạm tội, ông xin Chúa tha thứ cho họ và nói, nếu Chúa không tha thứ, xin hãy xóa tên ông khỏi sách của Chúa (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:31-32). Do Thái là một dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn. Hai câu #4,5 Thánh Kinh Hiện Đại dịch như sau: "Họ là dân tộc được Thượng Đế nhận làm con cái, chia sẻ vinh quang, kết lời giao ước. Ngài dạy họ luật pháp, cách thờ phượng và hứa cho họ nhiều ân huệ. Họ là dòng dõi các vĩ nhân. Về phương diện thể xác, Chúa Cứu Thế cũng thuộc dòng dõi ấy. Nhưng Ngài vốn là Đấng Chí Cao, là Thượng Đế đáng được chúc tụng muôn đời." Phao-lô hãnh diện về dân tộc của ông, nhưng cũng đau khổ vì họ không chịu tin Chúa Giê-xu để được cứu. Chúng ta có tâm tình giống như vậy đối với người đồng hương không? Chúng ta có thương yêu đồng bào đang chết mất trong tội lỗi đến nỗi sẵn sàng chịu Chúa xóa tên trong sổ sự sống để họ được cứu không? Phao-lô nói: "Tôi buồn bực lắm, lòng tôi hằng đau đớn" (c. #2). Chúng ta có buồn rầu và đau xót khi nhìn thấy hoàn cảnh tuyệt vọng của người không có Chúa không? Nếu thật lòng yêu nước, ta cần bắt chước Phao-lô: khóc cho những đồng bào chưa biết Chúa và sẵn sàng dấn thân, làm tất cả những gì có thể làm để đưa họ đến với Chúa. Xin cho con có lòng yêu thương đồng bào cách chân thành, không chỉ bằng lời nói nhưng sẵn sàng hy sinh, cố gắng bằng mọi cách để đem Tin Mừng cứu rỗi đến cho họ.

(c) 2024 svtk.net