Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 18

Con Cháu Áp-ra-ham

Rô-ma 9:6-13

"Không phải con dòng cháu giống của Áp-ra-ham là con cái Thượng Đế nhưng chỉ dòng dõi đức tin mới thật sự là con cái Ngài." (c. #8, TKHĐ) Câu hỏi suy ngẫm: Phao-lô khẳng định điều gì về dân tộc của ông? Ông phân biệt thế nào giữa "con cái thuộc về xác thịt" và "con cái thuộc về lời hứa"? Qua bài học hôm nay, bạn suy nghĩ thế nào về sự chọn của Chúa đối với cá nhân bạn? Phao-lô đau buồn vì đồng bào ông khước từ Chúa, tuy nhiên, ông cũng cho biết rằng không phải vì vậy mà lời hứa của Chúa dành cho người Do Thái không thành sự thật. Phao-lô trở lại vấn đề ông đã nói trong chương 2 câu #2:28,29. Đó là "Những kẻ bởi Y-sơ-ra-ên sinh hạ, chẳng phải vì đó mà hết thảy đều là người Y-sơ-ra-ên" (c. #6). "Y-sơ-ra-ên" là một tên khác của ông Gia-cốp, cháu nội của Áp-ra-ham (Sáng-thế Ký 32:28). Câu "Những kẻ bởi Y-sơ-ra-ên sinh hạ" có nghĩa là những người do ông Gia-cốp sinh ra, tức là chỉ chung tất cả người Do Thái. Phao-lô muốn nhấn mạnh rằng không phải tất cả người Do Thái đều là con dân của Đức Chúa Trời vì liên hệ huyết thống không quan trọng bằng niềm tin nơi Chúa. Khi nói về dòng dõi Áp-ra-ham, Phao-lô phân biệt "con cái thuộc về xác thịt" và "con cái thuộc về lời hứa" (c. #8). Đây là nói đến hai người con của Áp-ra-ham là Ích-ma-ên và Y-sác. Y-sác là người con Chúa hứa cho ông bà Áp-ra-ham, còn Ích-ma-ên là người con sinh ra do sự tính toán của loài người, (Ích-ma-ên là con của bà A-ga, nàng hầu của Áp-ra-ham, Sáng Thế 16 và 21.) Tuy nhiên, chỉ Y-sác được kể là người nối dõi Áp-ra-ham. Nhắc lại điều này, Phao-lô muốn người Do Thái thấy: "Không phải con dòng cháu giống của Áp-ra-ham là con cái Thượng Đế, nhưng chỉ dòng dõi đức tin mới thật sự là con cái Ngài" (TKHĐ). Nhìn lại lịch sử Do Thái, chúng ta thấy, trước hết, Chúa chọn Áp-ra-ham. Trong hai người con của Áp-ra-ham, Chúa chọn Y-sác. Y-sác có hai người con sinh đôi và Chúa chọn Gia-cốp, là người em. Trước khi hai người con này sinh ra, Chúa đã tuyên bố Ngài chọn người em (Sáng-thế Ký 25:19-26). Điều này cho thấy Chúa muốn chọn ai, đó là quyền của Ngài, không ai có thể đặt câu hỏi hay thắc mắc gì cả. Câu "Ta yêu Gia-cốp và ghét Ê-sau" trích trong Ma-la-chi 1:3, có thể giải thích như sau: chữ "Ê-sau" và "Gia-cốp" chỉ về con cháu của hai ông Ê-sau và Gia-cốp, tức là dân tộc Ê-đôm và dân tộc Y-sơ-ra-ên. Chúa tuyên bố Ngài ban phước cho người Y-sơ-ra-ên và chọn họ làm một dân tộc riêng cho Ngài chứ Ngài không chọn người Ê-đôm. Chúa chọn Gia-cốp không phải vì ông đạo đức hơn Ê-sau, Chúa chọn Gia-cốp vì Ngài muốn và Ngài đã quyết định như thế từ trước. Phân đoạn Thánh Kinh này cho ta thấy hai điều: (1) Liên hệ giữa chúng ta với Chúa không đặt căn bản trên liên hệ máu mủ, nghĩa là không phải sinh ra trong gia đình tín hữu là chúng ta đương nhiên trở thành con cái của Chúa nhưng mỗi người phải đặt đức tin nơi Chúa để tạo mối liên hệ riêng với Ngài; (2) Chúa có quyền tuyệt đối trên mỗi đời sống, vì thế chúng ta không thể thắc mắc về những sự chọn lựa của Chúa. Bổn phận của chúng ta là tuyệt đối vâng phục Ngài. Cám ơn Chúa đã chọn con làm con của Ngài. Xin cho con một lòng kính yêu Chúa và vâng theo sự hướng dẫn của Ngài trọn đời.

(c) 2024 svtk.net