Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 6

Ai Cần Thầy Thuốc?

Ma-thi-ơ 9:9-13

"Chẳng phải là người khỏe mạnh cần thầy thuốc đâu, nhưng là người có bệnh" (câu #12). Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao trong thời Chúa Giê-xu những người thâu thuế bị khinh ghét? Cách đối xử với họ của Chúa Giê-xu và những người Pha-ri-si khác nhau ra sao? Bằng cách nào Chúa trả lời câu hỏi của người Pha-ri-si? Câu trả lời của Chúa dạy chúng ta cần có thái độ nào đối với những người chúng ta xem là tội lỗi? Câu chuyện Chúa Giê-xu tiếp xúc với những người thâu thuế và tội lỗi cũng được ghi lại trong Mác 2:13-17 và Lu-ca 5:27-32, tuy có vài chi tiết khác biệt. Tại đây Ma-thi-ơ cho biết tên người thâu thuế là Ma-thi-ơ thay vì Lê-vi, cũng như cho biết những người chỉ trích Chúa là những người Pha-ri-si. Hơn nữa, chỉ có Ma-thi-ơ ghi lại câu Chúa Giê-xu trích dẫn từ Ô-sê 6:6 để trả lời cho những người chỉ trích. Phân đoạn này cho thấy mối liên hệ của Chúa với con người tội lỗi. Ma-thi-ơ đang ngồi tại trạm thâu thuế, có thể tại trước cổng thành hay trong chợ. Người dân phải đóng nhiều thứ thuế và thật sự thuế má là một gánh nặng. Chỉ riêng việc đóng thuế cũng đủ để dân chúng tách rời và oán ghét người thâu thuế, chưa nói đến việc họ thâu thuế cho đế quốc La Mã. Người thâu thuế bị đồng hóa với người tội lỗi, họ không được vào nhà hội của người Do Thái. Vì thế Chúa Giê-xu bị người Pha-ri-si chỉ trích khi Ngài và các môn đồ vào nhà Ma-thi-ơ, một người thâu thuế, để dùng bữa. Những khách mời khác cũng là người thâu thuế và tội lỗi. Vấn đề họ nêu ra là tại sao Chúa Giê-xu ngồi ăn chung với người thâu thuế và kẻ xấu nết! (câu #11). Câu trả lời của Chúa gồm hai phần: Trước hết Chúa trích dẫn câu châm ngôn quen thuộc về người thầy thuốc: Thầy thuốc cần cho người có bệnh, không phải cho người mạnh khỏe (câu #12). Thứ hai, Chúa trích dẫn Ô-sê Ô-sê 6:6 "Ta muốn sự thương xót, chẳng phải của lễ." Ý nghĩa chữ "thương xót" trong tiếng Hê-bơ-rơ (hesed) rất súc tích. Đó là tình yêu không vụ lợi, không đổi dời, bao gồm sự công chính và trung thành. Cựu Ước dùng từ này để chỉ về bản tính của Đức Chúa Trời và mối tương quan của Ngài đối với dân Y-sơ-ra-ên, cũng như phẩm tính mà Ngài muốn mỗi một người Y-sơ-ra-ên cần thể hiện trong đời sống. Ô-sê 6:6 trở thành câu nói quen thuộc, quan trọng và đầy ý nghĩa khi dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày và không còn dâng của lễ trong đền thờ, và đặc biệt sau khi đền thờ bị phá hủy. Chúa Giê-xu trích dẫn câu Kinh Thánh quen thuộc này cho những người chỉ trích và bảo họ "Hãy đi và học" điều họ đã từng biết (câu #13). Bản tính và ý muốn của Đức Chúa Trời không phải là xa lánh, tách rời người tội lỗi nhưng là đến gần họ bằng tình thương và sự tha thứ. Ý muốn của Chúa không phải là loại trừ nhưng là biến đổi. Vấn đề người Pha-ri-si nêu ra không chỉ là vấn đề trong thời Chúa Giê-xu nhưng còn trong Hội Thánh ngày nay. Câu trả lời của Chúa rất rõ ràng. Phải đến gần những người bị xem là tội lỗi xấu xa với Phúc Âm của Chúa để biến đổi cuộc đời của họ. Thật ra không ai trên trần gian này không tội lỗi để không cần đến quyền năng biến đổi của Phúc Âm. Mỗi chúng ta cũng là người tội lỗi và chính Chúa Giê-xu đã đến gần và chữa lành. Hội Thánh phải là nơi chữa lành vì thầy thuốc không phải cho người mạnh nhưng cho người đau yếu. Hội Thánh phải là nơi tiếp nhận mọi hạng người trong xã hội để tại đó họ được biến đổi, chữa lành. Lạy Chúa, xin giúp con xóa bỏ được những thành kiến để sẵn sàng đến gần và tiếp nhận mọi hạng người trong Hội Thánh, trong xã hội với quyền năng biến đổi của Phúc Âm.

(c) 2024 svtk.net