Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 19

Không Thể Nín Lặng

Giê-rê-mi 20:7-13

"Nếu tôi nói: Tôi sẽ chẳng nói đến Ngài nữa, tôi sẽ chẳng nhân danh Ngài mà nói nữa, thì trong lòng tôi như lửa đốt cháy, bọc kín trong xương tôi, và tôi mệt mỏi vì nín lặng, không chịu được nữa" (câu #9). Câu hỏi suy ngẫm: Giê-rê-mi bộc bạch tâm trạng nào? Tại sao ông than thở? Tại sao nếu không nói về Chúa thì trong lòng như lửa đốt cháy? Bạn có tâm trạng như Giê-rê-mi không? Chúa muốn bạn làm gì? Sách Giê-rê-mi có nhiều chi tiết cá nhân liên quan đến tâm tư, cảm xúc của tác giả được bộc lộ, qua đó chúng ta có thể nhận biết tư tưởng và tình cảm của Giê-rê-mi cũng như thấy được vai trò của một tiên tri trong dân Y-sơ-ra-ên. Phân đoạn hôm nay là lời kêu van của Giê-rê-mi về đời sống và kinh nghiệm của ông với lời của Chúa. Phân đoạn này mang tính chất một lời cầu nguyện, bộc lộ những lời than thở tương tự như lời cầu nguyện trong Thi Thiên. Giống như hầu hết những bài cầu nguyện, phân đoạn bắt đầu với lời kêu xin "Hỡi Đức Giê-hô-va" (hay Đức Giê-hô-va ôi!") (câu #7). Lời cầu nguyện chứa đựng lời than thở về những nỗi khổ cá nhân (câu #8-10) lẫn lời trách móc Chúa (câu #7) với mong ước Chúa hiểu hoàn cảnh mình. Giê-rê-mi quả quyết vì ông đã làm hết sức mình (#8-9) nên bây giờ xin Chúa cứu giúp. Cũng như nhiều tác giả Thi Thiên, Giê-rê-mi xin Chúa báo thù những kẻ thù nghịch (câu #12), cuối cùng, tác giả bày tỏ lòng tin quyết Chúa đã nghe và Ngài sẽ làm (câu #13). Giê-rê-mi được Chúa kêu gọi rao giảng lời Chúa nhưng sự rao giảng của ông không những đã làm trò cười cho thiên hạ còn đem tai họa cho ông (câu #7). Nhiều lúc ông bị đánh đập, xiềng xích, kết tội, bỏ tù, và tính mạng bị đe dọa (#20:1-6; 26:7,8,11; 37:11-21). Trước thái độ chê cười, chống đối của người nghe, Giê-rê-mi nhiều lúc không muốn rao truyền lời Chúa, nhưng khi làm như thế ông lại không chịu nỗi vì lời Chúa như thiêu đốt trong ông (câu #9). Ông thú nhận sự hoang mang xao xuyến trong lòng. Tại đây, Giê-rê-mi không phóng đại cường điệu nỗi khốn khổ mà ông đang trải qua. Nỗi khổ rất thực và đang tiếp diễn, và đó cũng là lý do ông than vãn. Có lẽ lời than vãn và trách móc Chúa của Giê-rê-mi làm nhiều người có cảm tưởng như ông phạm thượng. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng đây là cách Giê-rê-mi, cũng như các tác giả Thi Thiên, bày tỏ chân thành tâm trạng và cảm xúc của mình trong lời cầu nguyện. Dầu sao, trong lời cầu nguyện, Giê-rê-mi vẫn ý thức ông không thể chạy trốn chức vụ tiên tri mà Chúa kêu gọi. Người ta hoang mang, sợ hãi khi Chúa vắng mặt trong đời sống mình, nhưng đó không phải là trường hợp của Giê-rê-mi, vì ông đang ở trong chính sự hiện diện của Chúa, đặc biệt trong chính lời Chúa. Người ta hoang mang sợ hãi khi không chắc về tiếng gọi hay ý muốn của Chúa, nhưng đây cũng không phải là trường hợp của Giê-rê-mi. Giê-rê-mi bối rối, than van vì sứ mạng tiên tri mà Ngài đặt trên ông như một gánh nặng và ông phải thi hành, đặc biệt trong hoàn cảnh Lời Chúa bị người nghe khước từ, chống đối. Ngày nay ta cũng được Chúa giao cho vai trò tiên tri để rao giảng Phúc Âm của Ngài. Ta có thể bị chê cười, chống đối, ngược đãi, lên án, tù đày, nhưng đây là sứ mạng ta không thể chạy trốn. Ước mong Phúc Âm trong ta cứ tiếp tục thiêu đốt cho đến nỗi ta có cùng tâm trạng như Giê-rê-mi nếu không rao truyền Phúc Âm của Chúa thì như bị "đốt cháy tấm lòng... không sao chịu nỗi" (câu #9 TKHĐ).

(c) 2024 svtk.net