Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 21

Theo Dấu Chân Chúa

Ma-thi-ơ 10:24-39

"Môn đệ không hơn thầy, tôi tớ không hơn chủ; cùng lắm, môn đệ chịu khổ nhục bằng thầy, tôi tớ bị hành hạ bằng chủ" (câu #24, 25 TKHĐ). Câu hỏi suy ngẫm: Chúa cho các môn đồ thấy trước những điều gì sẽ xảy ra cho họ? Tại sao họ phải chịu những điều như thế? Trước những thách thức đó, Chúa cảnh cáo và khích lệ họ thế nào? Chúa cảnh cáo và khích lệ cá nhân bạn thế nào qua bài học hôm nay? Trong phân đoạn này, Chúa tiếp tục dạy dỗ các môn đồ trước khi sai họ ra đi truyền giáo. Phân đoạn này gồm những đề tài riêng rẻ khác nhau và được kết tập lại. Những lời dạy của Chúa tuy liên hệ đến hoàn cảnh của họ bấy giờ nhưng vẫn có giá trị cho chúng ta trong hoàn cảnh hôm nay. Làm môn đồ của Chúa, họ không nên trông mong là không bị chống đối (câu #24, 25). Nếu chính Chúa bị hiểu lầm, lên án, chống đối, sỉ nhục thì những người theo Ngài cũng phải cùng chung số phận. Chủ đề "môn đồ không hơn thầy, tôi tớ không hơn chủ" cũng được nhấn mạnh trong Phúc Âm Giăng (#13:14-16; 15:18,20). Những điều Chúa dạy riêng cho các môn đồ nơi kín đáo an toàn, bây giờ phải được giảng ra cách công khai giữa công chúng (câu #26,27), như thế chắc chắn sẽ gặp nguy hiểm. Những điều Chúa dạy bao giờ cũng đụng đến bản chất xấu xa của con người, đụng đến truyền thống bại hoại mà con người muốn khư khư nắm giữ, đụng đến quyền lợi mà người ta đang tranh đấu. Lời dạy của Chúa cũng đảo ngược những quan niệm về giá trị và đạo đức mà người ta đang hãnh diện. Vì thế, khi lời Chúa được giảng ra, chống đối là điều không thể nào tránh khỏi. Các môn đồ của Chúa sẽ đứng trước mặt các quan tòa là những người có quyền kết án tử hình, nhưng các môn đồ cũng sẽ đứng trước mặt Chúa mà quyền của Ngài không chỉ giới hạn trên thể xác của họ trong đời này, nhưng còn trên linh hồn của họ trong đời sau (câu #28). Như thế họ phải sợ ai? Bên cạnh những lời cảnh cáo, câu #29-31 là những lời khích lệ. Vì Chúa quan tâm đến từng con chim sẻ, đến từng sợi tóc trên đầu, nên chắc chắn Ngài không quên các môn đồ của Ngài. Không ai nên nghi ngờ về sự chăm sóc, quan phòng của Chúa. Câu #32-33: Trước tòa án loài người, chúng ta có thể bị áp lực khiến phải câm miệng hay chối Chúa, nhưng chúng ta cần nhớ lời cảnh cáo: nếu ai xưng Chúa ra, Chúa sẽ nhìn nhận người ấy, nếu yên lặng hay chối bỏ đức tin, sẽ bị Ngài chối bỏ. Xưng nhận và chối từ luôn luôn là những thách thức cho các con cái Chúa qua bao thế kỷ. Câu #34-36 nhằm khích lệ những người bị gia đình lìa bỏ vì cớ làm môn đồ của Chúa, vì cớ bày tỏ đức tin. Những câu này không có ý nói người tin phải lìa bỏ gia đình. Người tin Chúa có thể bị gia đình từ bỏ nhưng người tin Chúa không từ bỏ gia đình. Trong những nền văn hóa mà mối liên hệ gia đình bền chặt, khắng khít, chủ gia đình theo tôn giáo nào thì những người trong gia đình có cùng tôn giáo đó. Chắc chắn người theo Chúa phải đối diện với những chống đối nghiêm trọng từ người trong gia đình. Câu #38-39 nói về việc mang thập tự và mất mạng sống như là chặng đường mà người theo Chúa phải trải qua và giá mà người theo Chúa phải trả. Xin Chúa giúp sức cho con để bước theo dấu chân Ngài và cho con thấy phía sau thập tự giá là mão triều vinh hiển dành cho những môn đồ trung tín.

(c) 2024 svtk.net