Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 10

Xung Đột

Sáng-thế Ký 25:19-28

"Dường như các bào thai đánh nhau trong bụng, đến nỗi nàng than rằng: "Tôi chịu không nỗi!" Rồi nàng cầu hỏi Chúa" (c. #22 TKHĐ). Câu hỏi suy ngẫm: Trong phân đoạn này chúng ta thấy có những loại xung đột nào? Những nguyên nhân nào đưa đến xung đột? Đối diện với những xung đột trong cuộc sống, Y-sác và Rê-be-ca cho chúng ta những gương mẫu nào? Câu chuyện các thánh tổ kéo dài đến bốn thế hệ: Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp, và các con của Gia-cốp. Các vị thánh tổ này không được Kinh Thánh nhấn mạnh như nhau. Áp-ra-ham là khuôn mẫu của đức tin, qua ông lịch sử cứu chuộc được bắt đầu. Gia-cốp, sau trở thành Y-sơ-ra-ên, tổ phụ của tuyển dân. Mười hai người con Gia-cốp là tổ phụ của mười hai chi tộc. Riêng về Y-sác thì không được nói đến nhiều, chỉ được đề cập trong câu chuyện của Áp-ra-ham và trong liên hệ với những sự việc trong cuộc đời Gia-cốp. Phân đoạn hôm nay gồm ba phần tương đối riêng biệt. Phần thứ nhất (câu #19-26) và phần thứ hai (#27-28) không phải là câu chuyện với những tình tiết nhưng là lời tường thuật một loạt những biến cố đã xảy ra, giúp chúng ta thấy được bối cảnh của câu chuyện trong phần ba (câu #29-34). Chủ đề cho cả phân đoạn này là sự xung đột giữa hai anh em Ê-sau và Gia-cốp, sự xung đột kéo dài suốt cuộc đời Gia-cốp. Hai anh em trở thành hai dân tộc láng giềng nhưng tranh chiến nhau từ đầu cho đến suốt cả thời Cựu Ước. Câu #20 tóm tắt việc Y-sác cưới Rê-be-ca đã được tường thuật chi tiết trong chương 24. Vì Rê-be-ca son sẻ, Y-sác cầu khẩn Chúa và nàng thọ thai. Nhưng rồi thai đôi trong bụng khiến nàng khó chịu. Nàng thắc mắc và hỏi Chúa. Vượt trên hoàn cảnh giới hạn trong gia đình, Chúa cho biết trước về sự tranh chiến giữa hai dân tộc do hai anh em sinh đôi (câu #23). Câu chuyện của cặp song sinh này khi sinh ra nghe thật khôi hài. Đứa ra trước nhiều lông nên được đặt tên là Ê-sau. Ê-sau sinh ra màu đỏ, về sau lại thích màu đỏ của tô canh nên có tên là Ê-đôm, có nghĩa là màu đỏ, tổ phụ dân tộc Ê-đôm. Gia-cốp, có nghĩa là Đức Chúa Trời che chở, nhưng lại được gán cho tên Gia-cốp là "nắm gót." Sự xung đột giữa hai anh em đã xảy ra từ trong bụng mẹ cũng như trong lúc lọt lòng. Câu #27, 28 cho thấy sự khác biệt giữa hai đứa trẻ khi họ lớn lên. Một người thích săn bắn ngoài đồng, một người thích chăn nuôi, một người được cha yêu hơn, một người được mẹ yêu hơn. Đây là những chi tiết chuyển tiếp nhằm dẫn người đọc vào câu chuyện trong phân đoạn từ câu #29-34. Phân đoạn Kinh Thánh hôm nay cho thấy bản tính xung khắc, tranh dành quyền lực, và yếu đuối của con người. Có những xung khắc trong chính ta cũng như xung khắc với người khác. Việc Rê-be-ca son sẻ đã gây nên trong Y-sác và Rê-be-ca cuộc tranh chiến nội tâm. Nhưng vấn đề được giải quyết bằng lời cầu nguyện (câu #21). Rê-be-ca lại đối diện với một sự xung khắc khác: sự tranh cấp giữa hai đứa con trong bụng mẹ. Điều này khiến Rê-be-ca thắc mắc, than van. Bà cầu hỏi Chúa và được Ngài cho biết tương lai của hai dân tộc do hai người con bà sinh ra. Sau lời cầu nguyện, Rê-be-ca biết được chương trình của Chúa và thuận phục ý Ngài. Xung khắc và tranh dành có thể nhìn thấy mọi nơi trong xã hội loài người. Xung khắc là một thực tế của đời sống mà chúng ta phải chấp nhận. Có những xung đột trong đời sống gia đình, sở làm, Hội Thánh, do những cá tính khác biệt hoặc do những khát vọng cá nhân, ham muốn quyền lực. Có những xung khắc vượt quá sự hiểu biết và khả năng giải quyết của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta cần học gương của Y-sác và Rê-be-ca để biết trình dâng những nan đề, những ưu tư của mình cho Chúa. Tất cả xung khắc sẽ được giải quyết bằng sự cầu nguyện và tinh thần thuận phục ý muốn và chương trình của Chúa trên từng đời sống. Xin giúp con chữa lành những xung khắc trong đời sống khiến cản trở con nhận biết tình yêu và quyền năng của Ngài.

(c) 2024 svtk.net