Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 11

Quyền Trưởng Nam

Sáng-thế Ký 25:29-34

"Đừng có ai khinh lờn như Ê-sau, chỉ vì một món ăn mà bán quyền con trưởng" (Hê-bơ-rơ 12:16). Câu hỏi suy ngẫm: Quyền trưởng nam có ý nghĩa như thế nào? Tại sao Ê-sau coi thường quyền trưởng nam? Ê-sau tượng trưng cho hạng người nào ngày nay? Qua đó bạn được nhắc nhở điều gì? Ngay từ đầu, sự xung khắc giữa hai anh em khi còn trong bụng mẹ cũng như khi ra đời phản ánh sự ham muốn quyền lực của Gia-cốp. Dầu nắm gót Ê-sau, Gia-cốp vẫn không thành công trong việc tiếm quyền con trưởng. Khi lớn lên, Gia-cốp vẫn chờ đợi thời cơ, và cuối cùng Gia-cốp cũng đã thành công trong việc đoạt quyền trưởng nam bằng cách hối lộ cho Ê-sau một bát canh. Ở đây câu chuyện không nói đến ý nghĩa của quyền trưởng nam, nhưng Phục-truyền Luật-lệ Ký 21:17 cho thấy người có quyền con trưởng được nhận gia tài gấp đôi. Gia-cốp là người biết tính toán và biết lợi dụng thời cơ. Để nắm chắc phần thắng, Gia-cốp bắt Ê-sau phải thề trước khi trao thức ăn. Bát canh được trao từ người em qua người anh, và lập tức quyền trưởng nam được chuyển từ người anh qua người em. Gia-cốp thành công nhưng Ê-sau thất bại. Ê-sau nghĩ cuộc đời mình sắp kết thúc, cần gì hưởng quyền trưởng nam. Không còn sống được bao lâu, gia tài gấp đôi cũng chẳng cần đến. Tuy nhiên, Ê-sau không biết quyền trưởng nam không chỉ là quyền lợi về gia tài nhưng còn là quyền được nhận lời hứa phước hạnh của Chúa, một gia sản được lưu truyền từ Áp-ra-ham xuống cho Y-sác, và từ Y-sác xuống cho trưởng nam. Ê-sau coi thường quyền trưởng nam (câu #34) vì chỉ thấy nhu cầu hiện tại hơn là phước hạnh tương lai, chỉ thấy cái lợi trước mắt, không thấy sự thảm hại lâu dài (câu #30). Trong xã hội thời các thánh tổ, dù quyền trưởng nam là gì đi nữa thì con trai đầu lòng luôn có lợi thế. Ê-sau không biết tận dụng lợi thế đó, cuối cùng "đứa lớn phải phục đứa nhỏ" (câu #23), đầu trở nên rốt, rốt trở nên đầu. Khi nhận ra sai lầm, Ê-sau ân hận, nuối tiếc thì đã muộn. Tác giả Hê-bơ-rơ cho thấy "về sau Ê-sau muốn hưởng phúc lành nhưng bị khước từ, dầu khóc lóc van xin cũng không thể làm cha mình đổi ý" (Hê-bơ-rơ 12:17 TKHĐ). Ê-sau tượng trưng cho những người vì cái lợi nhất thời, trước mắt mà từ bỏ niềm hy vọng về phước hạnh vĩnh cửu. Sự thỏa mãn nhứt thời dẫn đến sự đau khổ lâu dài như là hậu quả. Trong những nhu cầu thực tế của đời sống, chúng ta cần tìm cách đáp ứng bằng những phương cách hợp pháp và đúng với Lời Chúa. Chúng ta cần củng cố kỷ luật thuộc linh của đời sống Cơ Đốc để không có những quyết định sai lầm khi đứng trước cám dỗ và cạm bẫy của ma quỷ. Lạy Chúa, xin Chúa giúp con thấy được phước hạnh đời đời Chúa dành cho con để không vì những lợi lộc trước mắt mà đánh mất đi quyền làm con cái Chúa.

(c) 2024 svtk.net