Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 7

Tiếng Êm Dịu

I Các Vua 19:9-18

"Sau ngọn gió, có một trận động đất... Sau trận động đất, có một đám lửa... Sau đám lửa, có một tiếng nói êm dịu nhẹ nhàng" (câu #12 TKHĐ). Câu hỏi suy ngẫm: Ê-li đang ở trong tâm trạng nào? Lời Chúa đến với Ê-li nhằm mục đích gì? Có tác dụng thế nào trên Ê-li? Bạn kinh nghiệm thế nào về những tiếng nói êm dịu của Chúa giữa những phong ba bão táp của cuộc sống? Bằng cách nào chúng ta nghe được tiếng êm dịu của Chúa? Phân đoạn hôm nay ghi lại việc Chúa hiện ra với Ê-li tại núi Hô-rếp sau khi Ê-li chạy trốn khỏi A-háp và Giê-sa-bên. Trải qua bốn mươi ngày đêm trong đồng vắng, Ê-li đã đến Hô-rếp là "núi của Đức Chúa Trời" (câu #8). Hô-rếp là nơi Chúa kêu gọi Môi-se (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:1) cũng là nơi Chúa lập giao ước và ban luật pháp cho Môi-se. Tuy không thể xác định chắc chắn vị trí, núi Hô-rếp vẫn là ngọn núi thánh của Chúa, ngọn núi lịch sử, vì tại ngọn núi này nhiều lần Chúa đã khải tỏ chính mình Ngài. Ê-li đã trốn trong hang và tại đó Ê-li nghe tiếng Chúa Chúa gọi. Câu "Lời Chúa đến với Ê-li" (câu #9 b) giới thiệu việc Ê-li được trực diện với Chúa, và đây cũng là tiêu đề cho cả phân đoạn. Lời Đức Chúa Trời là yếu tố quyết định cho cuộc trực diện này. Tại đây những mẩu đối thoại giữa Chúa và vị tiên tri được ghi lại. Chúa hỏi Ê-li (câu #9b, 11a, 13b, 15-18) và Ê-li trả lời với Chúa (câu #10, 14). Các mẩu đối thoại hầu như giống nhau. Ê-li đã nêu lý do để tự biện hộ: Tôi rất nóng nảy sốt sắng (câu #10, 14) về công việc Chúa và sự bội đạo của Y-sơ-ra-ên, bây giờ chỉ còn mình ông trung tín. Chúng ta cần lưu ý là ông không lên án A-háp hay Giê-sa-bên nhưng lên án dân Y-sơ-ra-ên nghịch cùng bàn thờ và các tiên tri của Chúa. Lời cuối cùng của Chúa trong phân đoạn này không phải là câu hỏi nhưng là một mệnh lệnh, và Ê-li vâng lời chứ không trả lời. Khi Chúa hiện ra, có những hiện tượng thiên nhiên dữ dội: gió mạnh (câu #11) đến nỗi làm nứt đá, cùng với động đất và lửa. Trong mỗi trường hợp đều cho thấy không có Chúa trong gió, trong động đất, trong lửa, và cuối cùng là "tiếng êm dịu nhỏ nhẹ" (câu #12). Khi Ê-li đến miệng hang và nghe tiếng Chúa, ông phải che mặt (câu #13) vì ý thức sâu xa rằng không ai thấy Chúa mà có thể sống (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:21; Ê-sai 6:2-5). Chúa hiện ra để phục hồi sức khỏe và tinh thần kiệt quệ của vị tiên tri tuyệt vọng này. Không những phục hồi, Chúa còn giao cho ông một sứ mạng. Ngài muốn ông trở lại nơi mà từ đó ông chạy trốn. Ông có sứ mạng xức dầu cho hai vị vua và một vị tiên tri tiếp nối chức vụ ông (câu #15-16). Hiện tại, Ê-li đang sống trong xung đột tôn giáo và chính trị và không thấy được điều gì sẽ xảy ra, nhưng Ê-li-sê, vị tiên tri kế tục ông, sẽ thấy. Công tác của ông là vâng lệnh Chúa để chỉ định những dụng cụ cho ý muốn Chúa. Như trường hợp Môi-se, Ê-li chỉ sống bằng những lời hứa chưa thành tựu. Giữa những hiện tượng thiên nhiên khủng khiếp và đầy hủy diệt, Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên không đồng hóa với những hiện tượng này. Chúa bày tỏ chính Ngài bằng lời phán. Lời phán có tính cách cá nhân, êm dịu, nhỏ nhẹ, có thể hiểu. Lời phán có mục đích. Mục đích không những chỉ nhằm nâng đỡ Ê-li nhưng qua Ê-li thay đổi lịch sử. Đây cũng là cách lời Chúa đến với cá nhân chúng ta. Dầu Chúa là Đấng đầy uy nghi, đáng sợ nhưng lời Ngài êm dịu, nhỏ nhẹ. Lời Chúa phán từng cá nhân riêng rẽ để thêm sức, phục hồi, chỉ cho ta con đường phải đi, sứ mạng phải thực hiện. Giữa phong ba bão táp, sấm nổ vang rền, Lời Chúa êm dịu nhỏ nhẹ nhưng có năng lực giúp ta vượt trên hoàn cảnh. Xin Chúa giúp con mỗi ngày nghe được tiếng êm dịu của Chúa để được thêm sức và bước đi theo ý muốn Ngài.

(c) 2024 svtk.net