Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 10

Thuận Nhau Dưới Đất

Ma-thi-ơ 18:15-20

"Nếu hai người trong các ngươi thuận nhau ở dưới đất mà cầu xin không cứ việc chi thì Cha ở trên trời sẽ cho họ" (câu #19). Câu hỏi suy ngẫm: Những giải pháp nào Chúa dạy để áp dụng cho một người có lỗi? Những giải pháp này phải đặt trên những nguyên tắc nào? Buộc và mở ở đây có nghĩa gì? Hiện tại chính bạn hay Hội Thánh bạn đang có những mối bất hòa nào không? Bằng cách nào hòa giải? Hòa giải là điều mà mỗi môn đồ của Chúa phải thực hiện. Trong phân đoạn này, Chúa dạy những bước cần thiết để có thể hòa giải với một người. Trước hết là phải là đối diện với người đó (câu #15). Chúng ta cần chủ động đến làm hòa với người có lỗi. Nếu đợi người ấy đến với mình thì chứng tỏ chúng ta còn cố chấp. Chúng ta cần trực tiếp đến với người đó để giúp người đó thấy sai sót của mình. Nếu thực hiện điều này không hiệu quả, bước thứ hai là nhờ những người khác cùng đến giúp người ấy nhìn thấy lỗi lầm (câu #16). Đây là những người chứng, đến không phải để lên án, tố cáo hay gây áp lực nhưng nhằm giúp người ấy thấy sai trật của mình. Những người chứng này cần phải thành thật, hiểu vấn đề, khôn ngoan, có uy tín để có thể giúp sự hòa giải hiệu quả. Nếu thực hiện điều này cũng không hiệu quả thì lúc đó mới đem vấn đề ra giữa Hội Thánh (câu #17). Trong cộng đồng đức tin, các con cái Chúa sẽ hành xử trong tình yêu thương, không phải bằng luật pháp của đời. Sau cùng, nếu người đó vẫn không chịu nghe lời khuyên của Hội Thánh, lúc đó Hội Thánh sẽ coi người đó như "người ngoại hay kẻ thâu thuế" (câu #17 b), tức không quan hệ với người đó cho đến khi họ nhận biết lỗi lầm và quay lại. Khi đề cập đến "người ngoại" và "kẻ thâu thuế," Chúa đặt trong bối cảnh xã hội Do Thái bấy giờ. Người Do Thái coi thường và không tiếp xúc với hai hạng người này. Khi coi họ như người ngoại hay kẻ thâu thuế không có nghĩa là loại trừ họ vĩnh viễn khỏi Hội Thánh, nhưng chờ đợi họ có cơ hội ăn năn và quay về. Chính Chúa Giê-xu đã đến và tiếp xúc với những hạng người này để đem Phúc Âm đến với họ. Buộc và mở trong câu #18 và #19 liên hệ đến những quyết định kỷ luật và hòa giải trong Hội Thánh. Cho dầu Hội Thánh ít oi chỉ hai ba người vẫn có Chúa ở giữa và vẫn hiện diện trong những quyết định kỷ luật của họ. Hội Thánh khi nhơn danh Chúa làm với đức tin, lòng yêu thương và trong sự dẫn dắt của Chúa thì những quyết định sẽ có giá trị như buộc và mở. Vì thế, tất cả các bước hòa giải đều đặt nền tảng trên tình thương và trong sự soi sáng của Thánh Linh. Đạo của Chúa là đạo giải hòa. Không những với người ngoại nhưng còn giữa các con cái Chúa với nhau. Chúng ta cần phải đau xót khi thấy một người vấp ngã, như chính Phao-lô đã đau xót: "Nào có ai vấp ngã mà tôi chẳng như nung như đốt" (II Cô-rinh-tô 11:21). Nếu hiện tại bạn đang bất hòa với ai thì điều Chúa đòi hỏi là phải làm hòa trước khi có thể tương giao với Chúa. Xin Chúa giúp con thể hiện đạo giải hòa của Ngài qua chính đời sống con.

(c) 2024 svtk.net