Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 13

Bảy Mươi Lần Bảy

Ma-thi-ơ 18:21-35

"Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy" (Ê-phê-sô 4:32). Câu hỏi suy ngẫm: Chúa dạy phải tha thứ "bảy mươi lần bảy," điều này có nghĩa gì? Trong câu chuyện Chúa kể, thái độ người được tha nợ khác với người chủ nợ ra sao? Thái độ của người được tha nợ phản ánh thế nào về chính chúng ta? Bí quyết nào giúp chúng ta tha thứ? Với lời dạy về sự tha thứ, phân đoạn này kết thúc lời dạy của Chúa về mối liên hệ với nhau trong cộng đồng đức tin. Truyền thống của các ra-bi Do Thái dạy rằng phải tha thứ ba lần. Nhưng Phi-e-rơ, với thái độ khoan dung hơn, đã hỏi Chúa "có phải bảy lần chăng"? (câu #21). Chúa bảo bảy mươi lần bảy. "Bảy mươi lần bảy" là cách nói linh động cho thấy sự tha thứ không giới hạn. Trên thực tế, không ai đếm và nhớ số lần người khác phạm lỗi với mình đến bảy mươi lần bảy! Ở đây Chúa muốn nói sự tha thứ vô giới hạn, không kể số lần, cũng không cần đếm. Hội Thánh là cộng đồng của những người được tha thứ và biết tha thứ. Vì đã được Chúa tha thứ và còn tiếp tục cần đến sự tha thứ của Chúa, các con cái Chúa cần biết tha thứ người khác. Câu chuyện về người mắc nợ nhấn mạnh đến nguyên tắc này, đồng thời cũng minh họa điều Chúa dạy trong bài cầu nguyện: "Xin tha tội cho chúng con như chúng con tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng con." Thật ra, những gì chúng ta tha thứ cho anh em mình rất nhỏ so với những gì Chúa tha thứ cho chúng ta. Người được tha nợ trong câu chuyện có thái độ ngược hẳn với thái độ người chủ. Trong khi người chủ "động lòng thương xót, thả người về, và tha nợ cho" (câu #27) thì anh ta khi gặp người mắc nợ mình một số tiền rất nhỏ thì "nắm bóp cổ... bỏ tù" cho dầu người mắc nợ van xin (câu #28-30). Chúng ta có thể khó chịu và buồn về thái độ của người này như những người bạn trong câu chuyện (câu #31), nhưng có thể nhân vật trong câu chuyện này đã phản ánh chính thái độ của chúng ta đối với những người phạm những lỗi lầm. Bởi sự tha thứ, cộng đồng đức tin hình thành và duy trì. Tha thứ phát xuất từ bản tính nhân từ, thương xót. Chính Chúa đã tha thứ cho chúng ta cách không giới hạn, không đòi hỏi sự đền bù nào, vì chính Chúa Giê-xu đã đền bù cho chúng ta rồi. Chính Chúa đã tha cho chúng ta món nợ tội lỗi là món nợ mà chúng ta không thể nào trả nỗi. Vì thế, khi tha thứ người phạm lỗi với mình, chúng ta cũng không đặt giới hạn, không đòi hỏi người khác sự đền bù. Tha thứ không phải để rồi thờ ơ, lạnh nhạt với người có lỗi nhưng trái lại còn cố gắng phục hồi mối tương quan tốt đẹp với người đó. Đây là bài học khó, chỉ những ai kinh nghiệm và cảm nhận sâu xa về sự tha thứ của Chúa, cũng như đời sống mình liên kết được với Ngài mới có đủ sức mạnh để làm theo. Xin Chúa cho con nhận thức sâu xa về sự tha thứ của Chúa đồng thời cho con sức mạnh của Ngài để con có thể tha thứ cho người khác.

(c) 2024 svtk.net