Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 27

Giê-ru-sa-lem Mới - Thành Thánh Ước Mơ

Khải-huyền 21:3-4

"Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than khóc, kêu ca hay là đau đớn nữa, vì những sự thứ nhứt đã qua rồi." (c. #4) Câu hỏi suy ngẫm: "Đền tạm của Đức Chúa Trời" là gì? Sự Chúa "ở với" loài người trong trời mới đất mới có khác với sự Chúa ở với chúng ta ngày nay không? Những sự thứ nhứt đã qua rồi nghĩa gì? Bạn có ước mơ ngày phước hạnh ấy không? "Đền tạm" (tabernacle) Bản Nhuận Chánh dịch là "nhà trại" vốn chỉ về một cái lều (tent) được tạm dựng lên trong đồng vắng biệt riêng ra thánh dùng làm nơi Đức Chúa Trời ngự giữa dân Y-sơ-ra-ên trong lúc họ đi đường đến đất hứa Ca-na-an. Trong Kinh Thánh từ nầy cũng có khi chỉ về thân thể của chúng ta (II Cô-rinh-tô 5:4), về chỗ ở của một gia đình (Gióp 18:6), hoặc về nơi nhóm họp thờ phượng của con cái Chúa tức là nhà Chúa hay là Hội Thánh của Chúa (Thi-thiên 15:1; 27:4-5). Có bản tiếng Anh dịch từ nầy là "gia đình của Đức Chúa Trời" (the home of God", NSRV) và "chỗ ở của Đức Chúa Trời" (the dwelling of God". NIV). "Đền tạm của Đức Chúa Trời ở giữa loài người" có nghĩa chỉ về sự hiện diện của Đức Chúa Trời ở giữa dân sự Ngài. Từ khi loài người phạm tội, Đức Chúa Trời không còn ở với họ như trong vườn Ê-đen, Ngài chỉ đến với họ qua các thầy tế lễ và tiên tri, trong thời Tân Ước. Ngài ở với chúng ta qua Chúa Cứu Thế Em-ma-nu-ên (Ma-thi-ơ 1:23). Khi Chúa Giê-xu sống lại và về trời, Ngài ở với Hội Thánh qua Đức Thánh Linh, nhưng trong trời mới và đất mới, chính mình Ngài thật sự ở với và ở giữa dân sự Ngài. Nước mắt chỉ đổ ra khi có sự chết, than khóc, kêu ca hay là đau đớn. "Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng" nghĩa là những sự đau khổ không còn nữa. Thi sĩ Burns nói rằng ông không thể đọc lời nầy mà không chảy nước mắt! Khi các triết gia không tìm được một định nghĩa về con người thì có người nói: "Con người là một sinh vật hay khóc" (one who weeps). Tác giả Thi-thiên 42:3 nói rằng: "Đương khi người ta hỏi tôi: "Đức Chúa Trời ngươi ở đâu? thì nước mắt làm đồ ăn của tôi ngày và đêm." Đa-vít đã khóc nhiều về những khốn đốn của ông, và Thi-thiên 56:8 ông cầu: "Xin Chúa để nước mắt tôi trong ve của Chúa, nước mắt tôi há chẳng được ghi vào sổ Chúa sao?" Theo thói tục người Hy Lạp cũng như người phương đông ngày xưa, khi có người thân yêu qua đời thì bạn hữu đến an ủi tang quyến đang khóc lóc bằng cách lấy khăn lau nước mắt của họ rồi vắt nước mắt ra đựng trong một cái chai, và cũng ghi vào sổ để kỷ niệm. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những chai như thế trong các hầm mộ mà họ khai quật. Nhưng trong trời mới đất mới sẽ không còn than khóc nữa. Chúng ta đã học Khải-huyền 7:17 rằng: "Vì Chiên Con ở giữa ngôi sẽ chăn giữ và đưa chúng đến những suối nước sống; Đức Chúa Trời sẽ lau hết nước mắt nơi mắt chúng." Câu nầy đưa chúng ta trở về lời tiên tri trong Ê-sai 25:8 "Ngài đã nuốt sự chết đến đời đời, Chúa Giê-hô-va sẽ lau nước mắt khỏi mọi mặt, và trừ bỏ sự xấu hổ của dân Ngài khỏi cả thế gian." Tôi thích hát bài thánh ca tựa đề "Bất Dạ Thành" điệp khúc có lời: "Chiên Con lau sạch nước mắt tôi, Đây không đau, già, chết như đời. Không ai tính tháng tính năm chi, Bởi đây nào còn đêm gì." Lạy Chúa, trong khi chờ đợi được vào thành thánh của Ngài, xin Chúa cho con nhận được sự an ủi của Ngài để con cũng có thể an ủi người khác.

(c) 2024 svtk.net