Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 3

Yêu Người

Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12-21

"Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình. Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra" (Ma-thi-ơ 22:39). Câu hỏi suy ngẫm: Mỗi điều răn trong liên hệ giữa người với người có ý nghĩa thế nào? Các điều răn này đặt nền tảng trên điều gì? Phản ánh thế nào bản tính công bình của Chúa? Đối với cá nhân bạn, điều răn nào là khó khăn nhất? Làm sao chúng ta có thể giữ trọn điều răn của Chúa? Trong các điều răn liên hệ đến con người, điều răn thứ năm về sự hiếu kính cha mẹ được đặt hàng dầu. Điều răn này rất nghiêm trọng đến nỗi người con nào bất kính đối với cha mẹ sẽ bị xử tử (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:15, 17). Gia đình là một xã hội thu nhỏ vì thế nếu con cái tôn trọng cha mẹ, tức người đại diện cho quyền lực trong gia đình, thì chắc chắn họ cũng sẽ tôn trọng các vị đại diện cho quyền lực trong xã hội nữa. Điều răn cấm giết người cho thấy Chúa đòi hỏi phải tôn trọng mạng sống người khác. Không ai được phép giết người, vì mỗi người được dựng nên theo hình tượng Đức Chúa Trời (so sánh Sáng Thế 1:27; 9:6). Trong Ngũ Kinh, án phạt dành cho tội giết người là tử hình. Tuy nhiên, luật pháp thời Cựu Ước cũng phân biệt những vụ giết người do ngẫu nhiên, tai nạn với các vụ giết người có âm mưu tính toán. Trong điều răn thứ bảy, tà dâm có nghĩa là quan hệ tình dục ngoài hôn nhân. Tà dâm bao gồm cả tội ngoại tình. Những người bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình bị tử hình (Lê Vi 20:10; Phục-truyền Luật-lệ Ký 22:22). Trong Tân Ước, chế độ đa thê, chồng ngoại tình và lấy vợ khác, tất cả đều bị cấm (so sánh Ma-thi-ơ 19:3-12; Mác 10:2-12; Lu-ca 16:18). Nói chung, ý muốn của Chúa là nhằm thiết lập mối liên hệ hoà hợp trong hôn nhân và cả chồng lẫn vợ đều không được phá hoại mối liên hệ này. Điều răn thứ tám (câu #15) đòi hỏi mọi người phải tôn trọng tài sản người khác. Bất cứ ai phạm tội tước đoạt tài sản của người khác tuỳ theo giá trị của đồ vật, họ phải trả lại và bồi thường xứng đáng cho nạn nhân. Xã hội thời cổ vùng Cận Đông áp dụng án tử hình cho tội trộm cắp, nhưng tuyệt nhiên Cựu Ước không chấp nhận án phạt này, như vậy chứng tỏ Chúa coi mạng sống của con người quí giá trên cả của cải. Với hai điều răn cuối cùng, chúng ta đi từ những luật cấm trong hành động cho đến những luật cấm trong lời nói và tư tưởng. Điều răn thứ chín (câu #16) nhấn mạnh tấm lòng trung thực. Dù điều răn này chủ ý cấm không được làm chứng dối trước toà án, cũng cấm luôn cả các trường hợp dùng lời nói dối làm hại người khác. Điều răn thứ mười (câu #17) cấm tham muốn những gì thuộc về người khác. Tham lam đưa đến hành động chiếm đoạt vật sở hữu của người khác. Vâng giữ điều răn này là thể hiện sự công bình trong mối liên hệ giữa người với người, vốn là bản chất của Đức Chúa Trời. Nếu dân Y-sơ-ra-ên muốn giữ mối thông công tốt đẹp trong giao ước với Đức Chúa Trời, thì họ phải sống theo ý muốn của Ngài trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Không chỉ vâng giữ bên ngoài nhưng chính trong nội tâm con người phải rập khuôn theo các nguyên tắc đạo đức của Đức Chúa Trời trong Mười Điều Răn. Điều răn không chỉ đòi hỏi tuân thủ bên ngoài nhưng ngay từ trong ý định trong lòng. Đây là điều chính Chúa Giê-xu đã nhắc nhở (Ma-thi-ơ 5:17-48). Xin Chúa đặt trong con tấm lòng yêu thương của Ngài để con sống tốt đẹp trong mối liên hệ với người khác.

(c) 2024 svtk.net