Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 25

Vượt Sông

Giô-suê 3:1-17

"Giô-suê cũng nói cùng dân sự rằng: Hãy làm cho mình ra thánh, vì ngày mai Đức Giê-hô-va sẽ làm những việc lạ lùng giữa các ngươi" (câu #5). Câu hỏi suy ngẫm: Cuộc vượt sông được chuẩn bị như thế nào và diễn tiến ra sao? Có những mệnh lệnh nào và những mệnh lệnh đó có đặc điểm ra sao? Trong biến cố này có những yếu tố nào khiến phép lạ xảy ra? Qua biến cố vượt sông này, bạn rút ra được những bài học nào cho cuộc sống? Cuộc vượt sông Giô-đanh đánh dấu thời điểm dân Y-sơ-ra-ên rời khỏi đồng vắng để bước vào đất hứa. Hòm giao ước, biểu tượng sự hiện diện của Đức Chúa Trời là Vị Thống Lãnh, Đấng đã dắt họ bước xuống sông Giô-đanh ngập tràn nước. Đức Chúa Trời đợi cho đến đầu mùa xuân, là lúc mực nước sông dâng cao do tuyết tan chảy từ núi Hẹt-môn, mới dắt dân Y-sơ-ra-ên vượt qua. Dưới quyền lãnh đạo trung tín của Giô-suê, cuộc vượt sông diễn ra trong trật tự và oai phong, không hấp tấp cũng không chậm trễ. Họ đến bờ sông và chờ đợi ba ngày (câu #2), một thời gian cần thiết để họ có thể dọn mình ra thánh (câu #5). Việc dọn mình thánh khiết này đòi hỏi họ phải giặt áo quần (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:10) và tránh sinh hoạt tình dục (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:15). Tại đây có bốn lệnh truyền để chuẩn bị cho cuộc vượt sông: một lệnh do các quan trưởng truyền cho dân chúng (câu #2-4), một lệnh do Giô-suê truyền cho dân chúng và các thầy tế lễ (câu #5-6), một lệnh do Giê-hô-va truyền cho Giô-suê (câu #7-8) và một lệnh do Giô-suê truyền cho toàn thể dân chúng (#9-13). Các mệnh lệnh càng lúc càng bày tỏ phép lạ sắp xảy ra, và cuối cùng, mệnh lệnh truyền cho Giô-suê lên đến cao điểm. Để phép lạ có thể xảy ra, các mệnh lệnh này cần phải thực hiện nghiêm túc. Các quan trưởng truyền lệnh cho dân chúng đi theo hòm giao ước (câu #2-4), trong đó đựng Mười Điều Răn, tượng trưng cho mối liên hệ giao ước của dân Y-sơ-ra-ên với Đức Chúa Trời. Trong câu #10, danh xưng "Đức Chúa Trời Hằng Sống" gợi lên nét tương phản với các thần của dân địa phương mà họ tin là chết đi rồi sống lại theo mùa, theo kỳ hạn, và có quyền kiểm soát được lịch sử. Trong sự bày tỏ của Chúa, Giô-suê báo trước rằng nước sông Giô-đanh sẽ dồn thành một khối và điều này cho thấy chính Đức Chúa Trời là tác nhân làm ra phép lạ này, chứ không phải do nguyên nhân tự nhiên. Ngài đã khiến lòng sông khô cạn và bảo vệ họ trong khi đi bộ qua lòng sông và đem họ vào đất hứa. Bằng cách này Ngài tôn cao Giô-suê trước mặt dân Y-sơ-ra-ên (câu #6) và chứng tỏ cho họ thấy rằng Đức Chúa Trời hằng sống ở với họ (câu #8,13). Trong giây phút quyết định này, đức tin của Giô-suê được Đức Chúa Trời ban thưởng. Trong đời sống chúng ta nhiều khi có những trở lực tưởng chừng như không thể nào vượt qua khiến chúng ta tuyệt vọng. Nhưng Đức Chúa Trời, Đấng dẫn dắt chúng ta, là Đấng yêu thương, quyền năng, và thành tín bao giờ cũng mở cho chúng ta một lối thoát. Điều quan trọng là chúng ta phải tin cậy và vâng theo Lời Chúa và nhận biết rằng Chúa luôn hiện diện với chúng ta trong từng bước đi. Lòng tin cậy và sự vâng lời của chúng ta bao giờ cũng được ban thưởng. Lạy Chúa, khi con đứng trước những bế tắc trong cuộc sống, xin cho con biết tin cậy và vâng theo tiếng Chúa để thấy được sự mở đường của Ngài.

(c) 2024 svtk.net