Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 1

Giao Ước Vững Bền

Giô-suê 3:7-17

"Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta có lập giao ước cùng chúng ta tại Hô-rếp. Chẳng phải cùng tổ phụ chúng ta mà Đức Giê-hô-va đã lập giao ước nầy đâu, nhưng cùng hết thảy chúng ta hiện ngày nay còn sống đây" (Phục 5:2, 3). Câu hỏi suy ngẫm: Đất hứa có tầm quan trọng như thế nào đối với dân Y-sơ-ra-ên? Bằng cách nào Chúa khẳng định lại với Giô-suê và dân Y-sơ-ra-ên về vùng đất hứa? Là dân Y-sơ-ra-ên thuộc linh, bạn học được điều gì qua hành trình về miền đất hứa của dân Y-sơ-ra-ên? Môi-se qua đời, Giô-suê được Chúa chỉ định thay thế chức vụ lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên và thực hiện kế hoạch tiến chiếm đất hứa. Giô-suê sai các thám tử đến Giê-ri-cô và họ được kÿ nữ Ra-háp tiếp rước. Dân Y-sơ-ra-ên đóng trại bên sông Giô-đanh và chờ đợi lệnh truyền của Chúa qua nhà lãnh đạo Giô-suê. Đất hứa có một tầm quan trọng rất lớn. Qua bao thế hệ, kể từ khi Áp-ra-ham nghe theo tiếng gọi của Chúa từ bỏ quê hương (Sáng-thế Ký 12:5), dân Y-sơ-ra-ên đã trông đợi sự hoàn thành lời hứa. Đất hứa đối với các tổ phụ cũng quan trọng như "thiên đàng" đối với Cơ đốc nhân. Đối với một dân du mục đói khổ, một vùng đất "đượm sữa và mật" rõ ràng là một biểu tượng về những gì con người khao khát. Giờ đây, Giô-suê và dân Y-sơ-ra-ên sắp bước vào vùng đất mà Môi-se suốt đời đã phải lao nhọc để mong đạt được. Lời hứa về vùng đất để dân Y-sơ-ra-ên định cư là điều chắc chắn. Chúa khẳng định với Giô-suê: "Ngày nay ta khởi tôn ngươi lên trước mặt cả Y-sơ-ra-ên, để chúng nó biết rằng ta sẽ ở cùng ngươi như ta đã ở cùng Môi-se vậy" (c. #7, 8). Hòm giao ước, tượng trưng cho sự hiện diện của Chúa, nằm giữa lòng sông Giô-đanh. Cách Đức Chúa Trời sắp đem dân Y-sơ-ra-ên qua sông Giô-đanh, biên giới của Đất Hứa, bảo đảm rằng Đức Chúa Trời là Chân Thần duy nhất sẽ ở cùng họ, và Ngài chắc chắn sẽ đánh bật các dân bản xứ hiện cư ngụ ở Ca-na-an. Phép lạ vượt sông Giô-đanh nhằm xác nhận quyền lãnh đạo của Giô-suê rất giống phép lạ "vượt Biển Đỏ." Tại đây địa vị của Giô-suê là tôi tớ Đức Chúa Trời được sánh ngang với Môi-se. Lời hứa này là giao ước không chỉ dành cho các tổ phụ nhưng cho cả dòng dõi họ về sau. Đây là một giao ước vững bền: "Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta có lập giao ước cùng chúng ta tại Hô-rếp. Chẳng phải cùng tổ phụ chúng ta mà Đức Giê-hô-va đã lập giao ước nầy đâu, nhưng cùng hết thảy chúng ta hiện ngày nay còn sống đây." (Phục 5:2, 3). Bài học này nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta là dân Y-sơ-ra-ên mới, chúng ta có lời hứa về nơi chúng ta sẽ đến. Trên đường về đất hứa, có những trở lực cần phải vượt qua và quân thù cần phải chiến thắng. Mỗi khi chúng ta nghe lại câu chuyện về dân Y-sơ-ra-ên, chúng ta được nhắc đến những trận chiến và những trở lực trong đồng vắng của chính chúng ta. Chúng ta không thể tự mình chiến đấu nhưng chính Đức Chúa Trời sẽ ban cho chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ tới qua thập tự giá và phục sinh của Chúa Giê-xu. Những ai đặt lòng tin nơi Chúa Giê-xu hãy nhớ lại giao ước mới mà Đức Chúa Trời đã lập với ta bằng huyết Chúa Giê-xu. Giao ước này bảo đảm cho ta bước vào sự yên nghỉ. Lạy Chúa, xin cho con luôn tin cậy và vâng lời Chúa để chiến thắng quân thù và vượt mọi trở lực trong cuộc hành trình đức đin.

(c) 2024 svtk.net