Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 17

Bổn Phận Rao Truyền Phúc Âm

I Cô-rinh-tô 9:16-18

"Tôi chẳng có gì mà khoe khi công bố Phúc Âm, vì đó là bổn phận tôi. Không chịu công bố Phúc Âm là một thảm hoạ cho tôi" (câu #16). Câu hỏi suy ngẫm: Đối với mệnh lệnh rao truyền Phúc Âm của Chúa, chúng ta có thể có những đáp ứng nào? Phao-lô nói gì về sự đáp ứng của ông? Sự đáp ứng của Phao-lô phát xuất từ đâu? Chúng ta cần nhận thức điều gì về mệnh lệnh rao truyền Phúc Âm của Chúa? Bạn đã đáp ứng mệnh lệnh này như thế nào? Đức Chúa Trời đã chọn chúng ta như những công cụ rao truyền Phúc Âm của Ngài. Chúa được vinh hiển khi công tác của Ngài được hoàn tất qua những dụng cụ đơn sơ nhất. Liên hệ đến việc đáp ứng tiếng gọi của Chúa đi ra rao truyền Phúc Âm, trong phân đoạn này Phao-lô đề cập đến những trường hợp có thể xảy ra. Trước hết, có những người sẽ không bao giờ rao truyền Phúc Âm. Phao-lô không nói nhiều về trường hợp này nhưng gián tiếp đề cập đến khi nói "còn không rao truyền thì khốn khó cho tôi thay" (c. #16 b). Phao-lô muốn nói rằng những người không rao truyền Phúc Âm sẽ mất đi phước hạnh dự phần trong công tác này của Đức Chúa Trời. Không rao truyền Phúc Âm chúng ta cũng mất đi phước hạnh và niềm vui được thấy những người chúng ta dẫn về với Chúa. Với Phao-lô không những mất niềm vui mà còn là "thảm họa" (TKHĐ) khi không làm điều Chúa muốn chúng ta làm. Cũng có những người rao truyền Phúc Âm của Chúa nhưng làm cách miễn cưỡng. Họ làm để trấn an lương tâm hoặc để khỏi mang mặc cảm tội lỗi. Đây là trường hợp rao truyền Phúc Âm vì chức vụ hay vì bị thúc đẩy, ép buộc. Rao truyền Phúc Âm với tinh thần như thế sẽ trở thành một gánh nặng. Chương trình của Chúa là muốn chúng ta chia sẻ Phúc Âm với niềm vui. Chúng ta cần nhận biết rằng phần thưởng của người giảng Tin Lành là được giảng Tin Lành. Giảng Tin Lành không phải để được lợi lộc vật chất hay được uy tín cá nhân. Phao-lô nhận biết rao truyền Phúc Âm là vinh dự và niềm vui lớn lao đến nỗi ông "không nhận thù lao và không đòi hỏi quyền lợi" (c. #18 TKHĐ). Đối với Phao-lô, rao truyền Phúc Âm là điều bó buộc. Bó buộc không phải vì đây là trách nhiệm ông không thể từ chối, nhưng vì đây là sự bó buộc phát xuất từ nhận thức của Phao-lô về chính bản chất của Phúc Âm, cũng như vai trò của ông trong chương trình của Đức Chúa Trời. Điều cuối cùng Phao-lô bày tỏ trong câu #22b là "tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu chuộc được vài người không cứ cách nào." Có nhiều cách để chúng ta rao truyền Phúc Âm. Mỗi người có thể lựa chọn những cách thích hợp với chính mình, thích hợp với người mà chúng ta chia sẻ, không cứ cách nào. Ở đâu có ý chí, ở đó có một phương pháp. Điều quan trọng là chúng ta thấy được niềm vui khi chia sẻ với người khác điều Chúa làm cho chính mình. Xin Chúa luôn nhắc con nhớ rằng rao truyền Phúc Âm không chỉ là mệnh lệnh nhưng còn là phần thưởng.

(c) 2024 svtk.net