Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 18

Mọi Cách Cho Mọi Người

I Cô-rinh-tô 9:19-23

"Tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu chuộc được một vài người không cứ cách nào" (c. #22). Câu hỏi suy ngẫm: Thế nào là "trở nên mọi cách cho mọi người"? Qua phân đoạn này chúng ta thấy Phao-lô đã áp dụng nguyên tắc này đối với những hạng người khác nhau như thế nào? Bạn áp dụng nguyên tắc này thế nào trong việc chia sẻ Phúc Âm cho những người thời nay? Nhằm mục đích gì? Gương sáng sứ đồ Phao-lô nêu cho chúng ta trong phần Thánh Kinh vừa đọc là ông đã "trở nên mọi cách cho mọi người" (c. #22). Đây không phải là thái độ thỏa hiệp hay là đi hàng hai nhưng là sẵn sàng hy sinh, nhịn nhục, để có thể tạo một điểm chung nào đó với người khác. Mục đích của sự hy sinh đó là "để cứu chuộc được một vài người." Để đưa người khác đến với Chúa, chúng ta cần noi gương Phao-lô, sống trong hòa hợp và tế nhị với mọi người. Một lần nữa chúng ta lại thấy sứ đồ Phao-lô hy sinh quyền lợi cá nhân vì người khác. Ông nói: "Tôi đối với ai vẫn cũng là được tự do, mà tôi đành phục mọi người, hầu cho tôi được nhiều người hơn." (c. #19). Phao-lô không bị ràng buộc với một luật lệ hay tiêu chuẩn nào cả, nhưng ông tình nguyện sống như nô lệ để có thể chinh phục người khác cho Chúa. Phao-lô nêu ra ba trường hợp mà ông đã áp dụng với ba nhóm người như sau: 1. Đối với người Do Thái - những người tôn trọng luật pháp Môi-se (c. #20): Dù biết rằng sau khi tin Chúa ông không còn bị ràng buộc với những luật lệ và lễ nghi Do Thái giáo ("chính tôi chẳng ở dưới quyền luật pháp"), nhưng để tránh hiểu lầm, Phao-lô vẫn sống như người Do Thái, làm theo đúng những điều luật pháp đòi hỏi, để người Do Thái không thể nói rằng ông là người chống lại luật pháp (Công-vụ các Sứ-đồ 21:20-26). 2. Đối với người không phải là Do Thái - những người không biết bộ luật Môi-se (c. #21): Phao-lô cũng sống như người không biết luật pháp, tức là không đối xử khắt khe với họ, không bắt họ phải giữ lễ nghi Do Thái giáo, tuy ông vẫn kể mình là nô lệ của Chúa và vẫn làm theo luật của Chúa. Thánh Kinh cho thấy Phao-lô đã áp dụng nguyên tắc trên trong hai trường hợp sau: (1) Với Ti-mô-thê: vì những người Do Thái ở thành Lít-trơ, Phao-lô bảo Ti-mô-thê phải chịu phép cắt bị theo luật Do Thái, Công-vụ các Sứ-đồ 16:3. (2) Với ông Tít là người Hy Lạp: Khi ông Tít tin Chúa Phao-lô không bảo ông chịu cắt bì, Ga-la-ti 2:3. 3. Đối với người yếu đuối - những người có đức tin đơn sơ, non kém (c. #22): như trường hợp những người cho rằng thần tượng có thật và ăn đồ cúng là ô uế. Đối với những người ấy, Phao-lô khuyên dù chúng ta có hiểu biết cao hơn, cũng nên kể ngang hàng với họ để tránh hiểu lầm và để nâng đỡ đức tin của họ. Để áp dụng nguyên tắc nầy vào việc nói về Chúa cho người khác, chúng ta hãy bắt chước Chúa Giê-xu và thánh Phao-lô, "trở nên mọi cách cho mọi người", hòa mình với người khác để chinh phục họ cho Chúa. Với thiếu phụ Sa-ma-ri múc nước bên bờ giếng, Chúa nói về nước hằng sống. Với ông Ni-cô-đem, Chúa nói về tái sinh. Với Phi-e-rơ, Giăng, Gia-cơ là những người đánh cá, Chúa nói: "Ta sẽ khiến các ngươi trở nên tay đánh lưới người." Chúa dùng những phương cách và ngôn ngữ khác nhau để trình bày Chân Lý cho từng thành phần khác nhau trong xã hội. Đây là nguyên tắc chúng ta cần áp dụng khi nói về Chúa cho người khác, để giúp họ hiểu rõ Đạo của Chúa. Xin giúp con trở nên "mọi cách cho mọi người", không phải để đồng hóa với thế gian nhưng để đưa nhiều người đến với Chúa.

(c) 2024 svtk.net