Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 22

Tuân Giữ Luật Lệ

Rô-ma 13:5-7

"Phải... nộp thuế cho kẻ mình phải nộp thuế, đóng góp cho kẻ mình phải đóng góp; sợ kẻ mình đáng sợ, kính kẻ mình đáng kính" (câu #7). Câu hỏi suy ngẫm: Theo Phao-lô, tại sao mọi người cần tuân giữ luật lệ của chính quyền? Tại sao phải nộp thuế? Những lời khuyên của Phao-lô về bổn phận người dân dựa trên một nguyên tác chung nào? Để áp dụng nguyên tắc, những "món nợ" nào bạn cần phải trả? Một lý do khác khiến người tin Chúa vâng phục nhà cầm quyền là vì điều đó phù hợp với lương tâm của người tin Chúa. Phao-lô lý luận: người tin Chúa biết rằng tất cả các bậc cầm quyền là do Chúa chỉ định và lập lên; vì thế, không tuân lệnh nhà cầm quyền tức là không tuân phục thẩm quyền của Chúa và sẽ bị lương tâm cáo trách. Do đó người tuân giữ luật lệ của chính quyền không chỉ vì sợ hình phạt nhưng vì kính sợ Chúa và không muốn bị lương tâm cáo trách. Do đó người tin Chúa tuân giữ luật lệ của chính quyền không chỉ vì sợ hình phạt nhưng vì kính sợ Chúa và không muốn bị lương tâm cáo trách. Phao-lô không chỉ nêu ra những nguyên tắc chung nhưng cũng trình bày những chi tiết thật thiết thực cho người đọc thấy rõ và áp dụng, như trong các câu #6, 7, ông nói về vấn đề nộp thuế. Ý Phao-lô muốn nói là: Người tin Chúa không chỉ có thái độ tiêu cực trong xã hội, tức là không những không vi phạm luật, không xâm phạm quyền lợi của người khác, nhưng còn phải đóng góp tích cực để xây dựng đất nước. Chúng ta không thể chỉ hưởng những đặc ân, tiện nghi trong xã hội mà không đóng góp gì vào xã hội. Nhà cầm quyền cho ta được hưởng những tiện nghi cần thiết như hệ thống điện, nước, đường sá, cầu cống... nên chúng ta cần đóng góp duy trì những tiện nghi đó. Nếu người không tin Chúa không chịu đóng góp để xây dựng xã hội đã là điều quấy, thì huống gì chúng ta là người tin Chúa, đã biết Lời Chúa dạy phải vâng phục các bậc cầm quyền, phải làm người công dân gương mẫu, mà vẫn không chịu đóng góp vào xã hội thì lỗi của chúng ta lại còn lớn hơn nữa. Khi dùng chữ "bậc cầm quyền", trong trí Phao-lô chỉ nghĩ đến nhà cầm quyền La Mã thời đó. Đối với ông, chính quyền La Mã là một dụng cụ Chúa dùng để giữ cho thế giới được trật tự, thanh bình, để các nhà truyền giáo có thể đi từ nơi này đến nơi khác truyền bá đạo của Ngài. Các nhân vật trong chính quyền, dù lớn, dù nhỏ để chỉ thực hành công tác Chúa giao. Có thể những người ấy không ý thức được rằng họ đang ở dưới quyền của Chúa và đang làm việc cho Chúa. Tuy nhiên, chúng ta biết rõ nên chúng ta sẽ làm trọn mọi bổn phận để giúp họ thay vì ngăn cản công việc của họ. Trong câu #7 Phao-lô đưa ra một nguyên tắc chung về vấn đề bổn phận đối với mọi người trong xã hội, nguyên tắc đó là không những chúng ta chỉ đóng thuế nhưng cũng làm trọn tất cả những bổn phận và trách nhiệm đối với mọi người về mọi phương diện: "Phải trả hết mọi thứ nợ: trả thuế cho nhân viên thuế vụ, nộp quan thuế cho nhân viên quan thuế, kính sợ người đáng kính sợ, tôn trọng người đáng tôn trọng" (TKHĐ). Chúng ta không thể chỉ hưởng những quyền lợi trong xã hội nhưng còn phải đóng góp tích cực để duy trì và xây dựng những tổ chức căn bản tốt đẹp của xã hội. Xin giúp con thật sự áp dụng điều Chúa dạy để hết lòng đóng góp vào cộng đồng nơi con đang sống.

(c) 2024 svtk.net