Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 10

Ý Muốn Của Đức Chúa Trời

Gia-cơ 4:11-17

"Anh em phải nói trái lại: Ví bằng Chúa muốn, và ta còn sống, thì ta sẽ làm việc nọ việc kia" (câu 15).

Câu hỏi suy ngẫm: Trên cơ sở nào Gia-cơ khuyên Cơ Đốc nhân không được nói hành và đoán xét ngưới khác? Theo Gia-cơ, tại sao chúng ta phải tìm biết ý Chúa? Ông đã nhắc nhở khía cạnh tích cực nào của đời sống Cơ Đốc nhân? Bạn áp dụng những lời khuyên này thế nào trong đời sống?

Con người chúng ta thường phạm những điều luật pháp qui định. Có những điều tương đối nhỏ như lái xe theo tốc độ mình thích hơn là tuân theo qui định của chính phủ. Tuy nhiên đôi khi vấn đề trở nên trầm trọng vì người phạm pháp bất chấp tất cả luật pháp và hành động theo điều mình muốn vì những lợi ích của cá nhân. Nếu sống trong cộng đồng, chúng ta cần phải tuân giữ luật pháp. Tuy nhiên, điều Gia-cơ quan tâm ở đây không chỉ liên quan đến cuộc sống cộng đồng, nhưng còn là với thái độ của Cơ Đốc nhân đối với luật pháp. Ông lo lắng vì đôi khi Cơ Đốc nhân hành xử như thể mình là kẻ ở trên luật pháp. Việc cụ thể mà Gia-cơ đang giải quyết là việc người nọ nói xấu người kia. Nói hành, ngồi lê đôi mách không chỉ là trò tiêu khiển mà còn là thái độ của kẻ tự đặt mình vào cương vị đoán xét người khác, là quyền thuộc về một mình Đức Chúa Trời. Đây là một lối sống nguy hiểm và gian ác, bởi vì Đức Chúa Trời là Đấng xem kẻ nói hành là kẻ chiếm cương vị của Ngài là Đấng có thể hủy diệt cũng như giải cứu (c.12). Không ai trong chúng ta vĩ đại và khôn ngoan đủ để có thể chỉ trích anh em mình.

Đôi khi chúng ta phớt lờ ý muốn của Đức Chúa Trời trong những quyết định của mình và xem quyết định đó chẳng liên quan gì đến Ngài. Gia-cơ không có ý nói rằng chúng ta không nên dùng lý luận để lập kế hoạch làm việc vì sử dụng đúng sự khôn ngoan mà Chúa ban cho chúng ta là điều cần thiết. Gia-cơ chỉ chống đối thái độ một Cơ Đốc nhân suy tính điều gì đó như thể mình là một người ngoại đạo, hoàn toàn không cầu hỏi hay nhờ cậy Đức Chúa Trời. Tất cả kế hoạch của chúng ta đều phải bao gồm câu: "Nếu Chúa muốn."

Câu cuối của chương nầy cũng đáng lưu ý. Chúng ta thường nghĩ phạm tội là làm những việc xấu gây tổn hại cho chính mình hoặc người khác. Nhưng tại đây Gia-cơ nhấn mạnh đến khía cạnh tích cực của đời sống Cơ Đốc khi ông nhắc nhở chúng ta phải lợi dụng mọi cơ hội làm điều thiện. Không làm điều lành không chỉ là điều đáng tiếc nhưng còn là tội lỗi.

Xin Chúa giúp con loại bỏ được thói nói hành và xét đoán người khác. Xin Chúa cho con thấy sự giới hạn và khiếm khuyết của chính mình để biết nhờ cậy Ngài và sống khiêm nhường.

Giới Thiệu Sách Na-Hum

Kinh Thánh chỉ cho biết sách ghi sự hiện thấy của Na-hum người Ên-cốt, nhưng không cho biết gì thêm về đời tư hay thời đại sinh sống của tác giả. Tên Na-hum có nghĩa là "an ủi", còn địa danh Ên-cốt thì cho đến nay chưa ai biết chắc là nơi nào.

Có ba nơi được người ta đề nghị để có thể xem là sinh quán của Na-hum: (1) Làng Al-Kush, khoảng 40 km về phía bắc thành Ni-ni-ve thuộc nước A-si-ri. Tại đó ngày nay vẫn còn một ngôi mộ, gọi là mộ Na-hum. Tuy nhiên vịệc xác nhận này chỉ mới bắt đầu từ thế kỷ 16 mà thôi. (2) Làng Al-Kauze, một làng nhỏ ở vùng Ga-li-lê, về sau trở thành thành phố Ca-bê-na-um. Tên Ca-bê-na-um có nghĩa là "Thành của Na-hum." (3) Làng Elkese, 30 km về phía tây nam thành Giê-ru-sa-lem. Căn cứ vào nội dung của sách, các nhà giải kinh cho rằng Na-hum là người sinh trưởng ở vùng Ga-li-lê, nhưng ông đã xuống thành Giê-ru-sa-lem thuộc Giu-đê để rao giÁng lời Chúa. Ông là người cùng thời với Ê-sai và Mi-chê (tức khoảng 650 TC).

Sách Na-hum được viết theo thể thơ, tiên đoán về sự sụp đổ của Ni-ni-ve, thủ đô của A-si-ri, một thành phố vĩ đại có tường thành kiên cố bao bọc. Ni-ni-ve rất phồn thịnh nhờ thương mãi và nhờ các của cướp được từ các nước bị chinh phục. Sử sách cho thấy các vua Ni-ni-ve rất hiếu chiến và dã man. Họ đã chinh phục nhiều nước và đối xử rất tàn bạo với các dân bị trị. Các vua Ni-ni-ve hãnh diện ghi lại rằng họ đã xé xác các vua bại trận, bắt các hoàng tử bại trận đeo đầu lâu của vua cha mình.

Tiên tri Giô-na đã rao báo sự trừng phạt Ni-ni-ve 150 trước Na-hum. Lúc bấy giờ Ni-ni-ve biết ăn năn nên đã thoát khỏi tai họa. Nhưng sự ăn năn chỉ tạm thời, người Ni-ni-ve lại tiếp tục con đường hung ác của mình, và nay phải bị hình phạt.

(c) 2024 svtk.net