Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 13

Kiên Nhẫn và Kiên Định

Gia-cơ 5:7-12

"Về phần anh em là người đang trông đợi Chúa trở lại, hãy kiên nhẫn như người làm ruộng chờ đợi mùa lúa chín" (câu 7 TKHĐ).

Câu hỏi suy ngẫm: Gia-cơ đã dùng những hình ảnh nào để minh họa về sự nhịn nhục chịu đựng của Cơ Đốc nhân? Theo bạn, nhịn nhục (kiên nhẫn) và chịu đựng (kiên định) khác nhau thế nào? Bạn có thể áp dụng sự dạy dỗ của Gia-cơ về sự kiên nhẫn và kiên định trong hoàn cảnh nào trong cuộc sống hiện đại?

Gia-cơ dùng hình ảnh người làm ruộng để nói về sự kiên nhẫn và hình ảnh các đấng tiên tri để nói về sự kiên định. Có hai từ ngữ Hy Lạp đôi khi được dịch là "kiên nhẫn" (c.7, 8, bản Kinh Thánh cũ dịch là nhịn nhục) và "chịu đựng" (hay "kiên định," c.10, 11). Khi chúng ta dùng chữ kiên nhẫn, chúng ta nói đến một sự chịu đựng lâu dài. Đó là không nhường bước cho sự kích động. Đó là sự sẵn sàng đối diện với sự chống đối vô căn cứ. Đó là cương quyết không mất bình tĩnh khi gặp hoàn cảnh bối rối, trong trường hợp chẳng ai có thể làm gì, hoặc bị kích động hoặc nín chịu nó. Đây cũng là điều mà Gia-cơ muốn nói khi ông đề cập đến người nông dân. Người ấy không thể làm gì để thay đổi thời tiết, hoặc các mùa. Khi một nông dân gieo giống, người ấy phải kiên nhẫn chờ đợi. Trong sự kiên nhẫn chờ đợi đó người ấy biết chắc sẽ có vụ thu hoạch. Cơ Đốc nhân cũng biết vụ mùa thu hoạch thế gian cũng sẽ đến. Người ấy phải nín chịu vô số những thách thức và khó khăn, nhưng vẫn có thể chịu đựng với lòng kiên nhẫn, vì biết rằng một ngày kia Chúa của mình sẽ đến. Chúng ta có thể yên lòng vì chắc chắn Ngài sẽ trở lại (8).

Chữ thứ hai, chịu đựng, mang nghĩa kiên định hơn là kiên nhẫn. Đó là thái độ của một người lính đang ở giữa trận chiến khốc liệt không chịu thối lui, nhưng quyết chí đương đầu với quân thù. Nó mang nghĩa năng động. Gia-cơ dùng chữ nầy để nói về Gióp (c.11), người đã chiến thắng khải hoàn sau khi đã kiên định đức tin nơi Chúa. Dầu không cần phân biệt cách rõ ràng giữa hai từ ngữ Gia-cơ đã dùng, nhưng hai từ ngữ này vẫn mang ý nghĩa khác nhau và cho chúng ta những bài học khi chúng ta suy nghĩ đến. Điều cần nhớ là Đấng cho phép những thử thách xảy ra để con cái Ngài kiên nhẫn và kiên định (hay nhịn nhục và chịu đựng) cũng là Đấng thương xót và nhân từ (c.11).

Xin Chúa thêm sức cho con để con có thể kiên nhẫn và kiên định trong mọi hoàn cảnh thử thách, cám dỗ và nhờ đó đức tin của con được tăng trưởng.

(c) 2024 svtk.net