Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 21

Giá Trị Của Sự Cầu Thay

II Cô-rinh-tô 1:8-11

"Chính anh em lấy lời cầu nguÿện mà giúp đỡ chúng tôi, hầu cho chúng tôi nhờ nhiều người cầu nguyện mà được ơn, thì cũng nên dịp cho nhiều người vì cớ chúng tôi mà tạ ơn nữa" (câu 11).

Câu hỏi suy ngẫm: Phao-lô chia sẻ nhưng khó khăn hoạn nạn của ông cho Hội Thánh với mục đích gì? Theo Phao-lô sự cầu thay sẽ đem lại kết quả nào? Trong kinh nghiệm, bạn thấy sự chia sẻ và cầu thay có giá trị như thế nào? Bạn nên thực hành điều này ra sao?

Trong phân đoạn trước Phao-lô cho chúng ta thấy giá trị của hoạn nạn, vì qua hoạn nạn, chúng ta có thể kinh nghiệm sự an ủi của Chúa và nhờ đó chúng ta có thể an ủi người khác trong cơn hoạn nạn của họ (c.3-4). Trong phân đoạn này Phao-lô cho chúng ta thấy giá trị của sự cầu thay.

Trong những cuộc hành trình truyền giáo, Phao-lô luôn phải đương đầu với những hoạn nạn, thử thách, nhiều lúc mọi người cảm thấy như sắp chết đến nơi (Công-vụ các Sứ-đồ 13:2-14:28; Công-vụ các Sứ-đồ 15:40-21:1). Vì biết mình chẳng có thể làm được gì để tự cứu nên họ chỉ còn biết trông cậy vào Đức Chúa Trời. Trông cậy Chúa là nhận thức chính tình trạng bất lực của mình, đồng thời giao thác nan đề của mình cho Chúa. Lòng trông cậy thể hiện qua mối tương giao liên tục với Ngài, với thái độ lệ thuộc. Qua thái độ lệ thuộc đó, những nan đề sẽ đưa chúng ta đến gần Chúa hơn và tại đó chúng ta tìm sự cứu giúp. Lòng trông cậy cũng thể hiện trong sự cầu thay, cũng như nêu những nan đề để xin người khác cầu thay. Nêu những nan đề và xin Hội Thánh cầu thay cho mình là cách Phao-lô bày tỏ lòng tin cậy nơi Chúa, đồng thời cũng bày tỏ mối thông công giữa ông và Hội Thánh. Vì thế, Phao lô đã chia sẻ cho các tín hữu Cô-rinh-tô biết về khó khăn ông gặp tại vùng A-si (c.8). Phao lô đã bị đè ép quá sức, suýt chết nhưng nhờ Chúa giải cứu ông thoát khỏi những khó khăn đó. Theo câu 11, sự cầu thay có hai kết quả, đó là người được cầu thay được ơn Chúa và người cầu thay có dịp tạ ơn Chúa.

Nhiều người trong chúng ta thường dè dặt không muốn chia sẻ những khó khăn riêng của mình để người khác cầu thay. Lý do có thể vì chúng ta sợ phiền người khác, sợ người ta chê cười hay loan đi điều mình chia sẻ. Dĩ nhiên chúng ta cần biết khi nào chúng ta nên, hay không nên chia xẻ khó khăn của mình cho người khác biết, chẳng hạn chỉ nên chia sẻ cho anh chị em tin cậy, quan tâm, kín đáo, và không nên chia sẻ cho những người không quan tâm, không kín đáo, vv... Mặt khác, khi nghe có người chia sẻ khó khăn của họ, chúng ta không nên phê bình, đồn đãi, nhưng hết lòng cầu thay cho họ (c.11).

Tóm lại, trong nhà Chúa, chúng ta không nên vì tự ái mà chịu đựng khó khăn một mình. Ngược lại chúng ta nên chia sẻ nan đề của mình cho nhau. Chúng ta cũng nên tránh phê bình, chỉ trích, đồn đãi những gì anh chị em mình chia sẻ, nhưng hãy góp phần cầu thay cho nhau để Chúa ban ơn cho người gặp khó khăn, và rồi tất cả cùng có dịp cảm tạ Chúa.

Xin Chúa giúp con nhận biết được giá trị của sự cầu thay và dành thì giờ hết lòng cầu thay cho những người thân yêu, Hội Thánh và đồng bào của con nhiều hơn nữa.

(c) 2024 svtk.net