Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 10

Khóc Cho Một Dân Tộc

Lu-ca 19:41-44

"Ngày nay Giê-ru-sa-lem đã biết rằng cơ hội hưởng thái bình đang ở trong tầm tay mà không chịu nắm lấy" (câu 42 TKHĐ).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Chúa Giê-xu khóc về thành Giê-ru-sa-lem? Họ đang ở trong tình trạng nào và sự đoán phạt nào đang chờ đón? Sự kiện Chúa khóc về thành Giê-ru-sa-lem nhắc nhở mỗi chúng ta và Hội Thánh Ngài điều gì trong mùa thương khó này?

Trong khi dân chúng tung hô vui mừng thì Chúa Giê-xu lại khóc. Trước mộ La-xa-rơ Ngài đã khóc (Giăng 11:35) và giờ đây Ngài cũng khóc về thành như khóc một người đã chết. Giê-rê-mi một lần đã khóc vì Giê-ru-sa-lem và bây giờ Chúa Giê-xu cũng khóc vì Giê-ru-sa-lem đang tự hủy diệt mình.

Tại sao Chúa khóc về thành? Giê-ru-sa-lem biểu tượng cho cả dân tộc. Nhìn về quá khứ, dân tộc Y-sơ-ra-ên đã bỏ lỡ biết bao cơ hội và không hề ý thức được lúc Chúa viếng thăm. Họ đã từ chối và giết hại các đấng tiên tri là những sứ giả mà Ngài sai đến. Nhìn hiện tại, họ đang mù lòa về phương diện thuộc linh và không nhận biết Đấng đang đem đến cho họ hòa bình. Ngài đến trong xứ mình nhưng dân mình chẳng hề tiếp nhận (Giăng 1:11). Hơn nữa cơ cấu tôn giáo đã suy đồi từ căn bản và bây giờ chỉ còn là hình thức. Những nhà lãnh đạo tôn giáo bị Ngài lên án là giả hình. Họ hãnh diện về đền thờ nguy nga tráng lệ nhưng đã đánh mất chức năng của nó. Đáng lẽ ra đền thờ là nơi cầu nguyện cho muôn dân nhưng giờ đây đã biến thành hang trộm cướp (c.46). Và nhìn tương lai, Chúa khóc vì thành phố và đền thờ sắp đón nhận sự đoán phạt kinh khiếp. Biến cố này đã thật sự xảy ra khi hoàng đế Titus của La Mã đến vây chặt thành phố trong 143 ngày rồi san bằng vào năm 70 S.C.

Chúa khóc cho thành Giê-ru-sa-lem, cho cả một dân tộc. Nhưng trước khi trách móc dân tộc Do Thái chúng ta hãy tự nhìn lại chính mình, nhìn lại Hội Thánh. Trong mùa thương khó chúng ta hãy tự xét lòng và tự hỏi có phải Chúa đang khóc về chúng ta không? Bao lần chúng ta đã cứng lòng và bỏ mất cơ hội được Chúa thăm viếng? Có phải Chúa đang khóc khi thấy tình trạng thuộc linh suy sụp của mỗi chúng ta? Có phải Chúa khóc khi thấy Hội Thánh đánh mất chức năng của mình, các nhà lãnh dạo đánh mất vai trò của mình, và nếp sống đạo của tín hữu chỉ còn là hình thức? Có phải Chúa khóc khi thấy chúng ta thờ ơ không chuẩn bị cho ngày Chúa đến và sự đoán phạt đang chờ đón? Mong ước nỗi thống khổ và những giọt nước mắt yêu thương của Chúa sẽ tác động và cảnh tỉnh ta, đưa ta đến chỗ ăn năn, làm mới lại đời sống, cho ta tìm được bình an và sống xứng đáng là con cái Ngài.

Lạy Chúa, trong mùa thương khó này, xin giúp con tự xét lại đời sống để con kịp thời ăn năn và được Ngài thăm viếng.

(c) 2024 svtk.net