Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 17

Cầu Nguyện Cho Sự Hiệp Một.

Giăng 17:20-26

"Con cầu xin...để cho ai nấy hiệp làm một, như Cha ở trong Con, và Con trong Cha; lại để cho họ cũng ở trong chúng ta, đặng thế gian tin rắng chính Cha đã sai Con đến" (câu 21-22).

Câu hỏi suy ngẫm: Sự hiệp một của các con cái Chúa có ý nghĩa nào? Tại sao nhận biết Chúa Giê-xu cách đúng đắn là điều quan trọng dẫn đến sự hiệp một? Sự hiệp một của Hội Thánh quan trọng ra sao? Những hành động hay thái độ nào có thể giúp Hội Thánh Tin Lành người Việt đến gần với sự hiệp một hơn?

Giăng 17 thường được gọi là "lời cầu nguyện với tư cách tế lễ thượng phẩm" của Chúa Giê-xu. Với tư cách này, Ngài cầu thay cho con dân của Ngài (Rô-ma 8:34; I Giăng 2:1). Đây là những lời cuối của Chúa Giê-xu trước khi Ngài bị bắt.

Chúa Giê-xu cầu thay cho những kẻ tin Ngài qua lời chứng của các môn đệ. Đây là lời cầu nguyện bày tỏ sự hiệp một của Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Chúa Giê-xu cầu nguyện những lời này trước mặt các môn đệ để họ có thể dự phần trong sự hiệp nhất đó (17:11, 13). Cho nên lời cầu nguyện này vừa là sự bày tỏ (mạc khải) của Chúa, vừa là lời cầu thay của Ngài. Chúa Giê-xu cầu nguyện cho chính Ngài (17:1), cho các môn đệ (17:9), và cho các tín đồ tương lai (17:20). Những Cơ Đốc nhân tương lai này là những người tin cậy Ngài qua lời chứng của các môn đệ của Ngài - tức những người có đức tin giao thác đời sống cho Chúa, yêu mến Ngài, hiểu biết Ngài là ai (Rô-ma 10:14). Đối với những kẻ tin như vậy cũng như cho các môn đệ lúc đó, Chúa Giê-xu cầu nguyện cho họ hiệp một với nhau và xin Đức Chúa Trời hiện diện cùng họ để họ làm chứng mạnh mẽ cho thế gian. Ngài không cầu nguyện trực tiếp cho thế gian tại đây nhưng nài xin sự hiệp một của các tín hữu sẽ làm chứng được về tình yêu thương của Đức Chúa Cha dành cho thế gian (Giăng 3:16).

Sự hiệp một của các môn đệ không dựa trên những cố gắng riêng của họ nhưng trên công việc của Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương họ như yêu thương Con Ngài. Sự hiệp một này không phải chỉ nằm trong lãnh vực tôn chỉ hay mục đích nhưng cũng là sự hiệp một trong sự sống họ nhận được từ Chúa. Hiệp một không nhất thiết phải là cùng ở trong một tổ chức hay giống nhau về mọi thứ. Căn bản hiệp một của Hội Thánh không nằm nơi những tiêu chuẩn tiểu tiết nhưng nơi chính Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Cuộc sống thực tế xung quanh chúng ta ngày nay có bao chuyện trái ngược với điều chúng ta đọc trong Phúc Âm Giăng. Rạn nứt và đổ vỡ là thảm trạng thường tình của thế giới. Con người đói kém, bệnh hoạn, chết chóc, và đau khổ vì màu da, giàu nghèo, chủ nghĩa. Những người theo Chúa mang sứ mạng làm chứng về sự cứu rỗi của Ngài. Thế nhưng nhiều lúc trong cố gắng làm chứng cho thế gian, Hội Thánh đã không cầu nguyện đủ cho sự hiệp một. Khi hiệp một chúng ta mới có thể làm chứng cách hiệu quả cho thế gian phân rẽ bên ngoài. Khi đó sự vinh hiển của Chúa sẽ được bày tỏ nơi những kẻ theo Ngài. Thấy được điều này, nghe được lời cầu thay của Chúa Giê-xu, hiểu được tấm lòng của Ngài, chúng ta sẽ đến gần với chính Ngài hơn trong cách cầu nguyện và đối xử với những người cùng niềm tin nơi Chúa Cứu Thế.

Xin Chúa đừng để những thành kiến, nghi kÿ trong con làm phân rẽ Hội Thánh Ngài. Xin Chúa cho các hệ phái, các nhóm tín hữu có thể đứng gần nhau, hỗ trợ nhau trong tinh thần hiệp nhất để gây dựng Thân Thể Chúa và truyền bá Phúc Âm.

(c) 2024 svtk.net