Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 7

Lời Hứa Cứu Chuộc

Ê-sai 46:8-13

"Điều ta đã rao ra, ta sẽ làm hoàn thành, điều ta đã định, ta cũng sẽ làm" (câu 11b).

Câu hỏi suy ngẫm: Chúa muốn con dân Chúa nhớ lại, nghĩ lại những điều gì? Tại sao? Chúa tuyên bố điều gì về chính Ngài? Điều Chúa mong đợ con dân Chúa là gì? Sứ điệp này có ý nghĩa gì đối với bạn?

Sứ điệp của Chúa trong sách tiên tri mặc dầu bắt đầu từ bối cảnh lịch sử nhưng không dừng lại ở sự kiện lịch sử. Sứ điệp không chỉ nhằm cho người nghe nhận biết Đức Chúa Trời là Đấng chân thật, yêu thương, quyền năng đang cầm quyền trên lịch sử, nhưng còn kêu gọi con dân Chúa tham gia trong kế hoạch rộng lớn của Ngài cho toàn thế giới.

Trước hết, sứ điệp kêu gọi con dân Chúa hãy nhớ lại (câu 8, 9). Chúa muốn dân Y-sơ-ra-ên hãy nhìn lui lại quá khứ để thấy sự vô nghĩa, bất lực của các thần tượng. Cho dầu đó là thần bò vàng của Ai Cập, nữ thần sinh sản của Ca-na-an, hay thần Bên, thần Nê-bô của Ba-by-lôn cũng không cứu được những người sùng kính trong ngày tai họa. Tuy nhiên, chỉ có Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên mới thật quan tâm chăm sóc con dân Ngài. Sự kiện Chúa đã bồng ẵm, gánh vác con dân Ngài trong quá khứ là một bảo đảm chắc chắn rằng Ngài sẽ còn gánh vác bồng ẵm họ trong tương lai. Mệnh lệnh "Hãy nghĩ lại!" (câu 8) nhằm nhấn mạnh thêm mệnh lệnh thứ nhất. "Nghĩ lại" có nghĩa là "quay lại" hay "trở lại" hàm ý nhận biết sự sai phạm của mình và ăn năn. Đây là thái độ phản tỉnh, suy xét cách nghiêm túc, xét đời sống mình để nhận ra những sai phạm. Quên đi những việc kỳ diệu Chúa làm trong quá khứ là điều nguy hiểm, không những đó là thái độ vô ơn nhưng còn là thái độ vô tín. Vô ơn và vô tín là thái độ chống nghịch Chúa.

Trong câu 9 và 10, Chúa tuyên bố hai điều về chính Ngài. Thứ nhất, Chúa trổi vượt hẳn loài người cũng như những thần tượng mà con người tôn thờ. Ngài là Đấng chủ động mọi biến cố trong quá khứ cũng như tương lai. Thứ hai, điều gì Chúa công bố Ngài sẽ hoàn thành, điều gì Chúa hoạch định Ngài sẽ thực hiện. Điều này không chỉ giới hạn trong việc Ngài đem dân Chúa trở về quê hương như Ngài đã báo trước, nhưng cũng khẳng định Ngài thành tín, luôn làm trọn mọi lời hứa. Trong kế hoạch của Chúa, Ngài dùng Si-ru như công cụ. Nhiều học giả cho rằng "chim ó" (câu 11) được dùng để chỉ vua Si-ru có lẽ vì vua Si-ru với sức mạnh phi thường đã nhanh chóng tấn công và chinh phục được các nước thù nghịch. "Người làm mưu ta" không hàm ý Si-ru là người có bản tính khôn ngoan hay tốt lành như Chúa nhưng chỉ có ý Si-ru là người được Chúa dùng như công cụ để giải phóng dân Ngài khỏi ách nô lệ Ba-by-lôn.

Dân Y-sơ-ra-ên không những cần nhìn lui để nhận biết tình yêu và quyền năng của Chúa nhưng cũng cần nhìn tới để hy vọng về tương lai phước hạnh Ngài dành cho họ. Điều Chúa mang đến cho họ là công bình, cứu rỗi, và vinh quang (câu 13). Ba đặc điểm này mô tả tương lai của con dân Chúa, gắn liền nhau như ba mặt của một viên kim cương chói sáng. Lời hứa này về tương lai dân tộc, khi họ trở về xứ sở, khích lệ "những người cứng lòng, xa cách sự công bình" (câu 12) đặt lòng tin nơi Chúa. Tương lai huy hoàng không phải đạt được bởi công sức, khả năng nhưng bởi ân sủng của Đức Chúa Trời.

Sứ điệp cho dân tộc Y-sơ-ra-ên ngày xưa cũng là sứ điệp cho mỗi cá nhân chúng ta ngày nay. Như dân Y-sơ-ra-ên, chúng ta cần nhìn lui để nhận biết những yếu đuối, bất toàn, mỏng manh của chúng ta, đồng thời nhận ra tình thương, ân sủng, và quyền năng của Chúa. Chúng ta cũng cần nhìn tới để thấy tương lai phước hạnh Chúa dành cho những người thuộc về Ngài. Nhìn lui và nhìn tới sẽ giúp chúng ta thêm niềm tin và hy vọng để được sức lực sống trong hiện tại, đồng thời giúp chúng ta tôn thờ Chúa hết lòng và hết cả đời sống.

Cảm tạ Chúa, nhìn lại quá khứ con thấy Chúa thật đã bồng ẵm và giải cứu con bởi ân sủng Ngài. Xin Chúa giúp con luôn hết lòng tin cậy và tôn thờ Ngài là Đấng thành tín.

(c) 2024 svtk.net