Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 15

Chúc Tụng Đấng Ngồi Trên Ngai

Khải-huyền 4:1-11

"Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh hiển, tôn quí và quyền lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý muốn Chúa mà muôn vật mới có và đã được dựng nên" (câu 11).

Câu hỏi suy ngẫm: Sự thờ phượng trong khải tượng này có gì giống với Ê-sai 6:1-8 không? Có người bảo "công việc trên thiên đàng là thờ phượng," bạn nghĩ thế nào? Tại sao? Có thể thờ phượng Chúa mà không cần yêu mến Ngài không? Ngày nay chúng ta có thể thờ phượng Chúa bằng những cách nào?

Trong khải tượng, Giăng thấy Chúa ngự trên ngôi cao sang và cả thiên đàng vang tiếng ngợi ca thờ phượng quanh ngôi của Ngài. Đây cũng là khải tượng Chúa đã từng bày tỏ cho các tiên tri (1 Các Vua 22:19; Ê-xê-chi-ên 1:26-28). Hình ảnh cầu vồng gợi lại lời hứa thương xót đối với nhân loại Chúa đã phán với Nô-ê, biểu tượng cho lòng thành tín của Ngài (Sáng-thế Ký 9:13-15). 24 vị trưởng lão có thể là 12 sứ đồ và 12 tộc trưởng (21:12, 14) hoặc là 24 ban thứ tế lễ (1 Sử-ký 24:1-19). Biển thủy tinh có thể là hình ảnh của nơi thanh tẩy trong đền thờ trước đây (kết hợp 1 Các Vua 7:38 và 7:23). Bốn sinh vật (Ê-xê-chi-ên 1:4-14, 10:20-22) là hình ảnh của các Chê-ru-bim tại nơi hòm giao ước (1 Sa-mu-ên 4:4; Thi-thiên 80:1, 99:1), như của bốn hướng gió (Thi-thiên 18:10). Các sinh vật này dẫn đầu sự ca ngợi Đức Chúa Trời Tạo Hoá (Ê-sai 6:3). Ngài được tung hô là Chúa, là Đức Chúa Trời, danh hiệu mà thời đó chính quyền La Mã chỉ dành cho hoàng đế La Mã.

Quang cảnh trên trời với uy quyền và vinh quang của Chúa mà Giăng nhìn thấy thật khó diễn tả bằng ngôn ngữ loài người. Những hình ảnh và biểu tượng được dùng trong sách Khải-huyền chỉ diễn tả phần nào về một thực tại siêu nhiên mà lý trí con người không thể nào nắm bắt được. Mọi cách diễn tả của con người về Đức Chúa Trời đều giới hạn như giáo phụ Gregory (329-389) đã nói, "Chúng ta, những kẻ không thấy được những gì nằm dưới chân mình, không biết được số hạt cát trên bãi biển, hay số giọt mưa, hay số ngày của cõi đời đời, làm sao có thể thấu triệt được sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời, và làm sao có thể diễn tả được bản chất của Đấng vượt ngoài mọi ngôn ngữ?" Kinh nghiệm thấy Chúa qua khải tượng này, chắc hẳn Giăng chỉ có thể cùng với cả thiên đàng "sấp mình xuống" và "quăng mão triều thiên" khiêm cung chúc tụng tôn thờ Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn chúa.

Dầu chúng ta không hiểu được Ngài, không thấy khải tượng "Đấng ngồi trên ngôi" như Giăng, nhưng chúng ta có thể kinh nghiệm về Ngài trong cuộc sống. Chúng ta có thể cảm nhận Đức Chúa Trời quyền năng trong sự sáng tạo siêu việt của Ngài, trong hành động nhân từ thương xót vô biên, trong sự giải cứu và tuôn đổ lòng yêu thương bao la của Ngài trên cá nhân, trên Hội Thánh, trên thế giới Ngài tạo dựng. Chúng ta có thể hiểu biết về Đức Chúa Trời nhiều hơn qua tình yêu và sự tôn thờ Ngài. Hiểu biết về Đức Chúa Trời không phải là vấn đề thuần lý thuyết nhưng là điều ảnh hưởng đến niềm tin và hành vi của chúng ta. Bản tính mầu nhiệm của Đức Chúa Trời được bày tỏ không ngừng, để khi càng hiểu về Ngài, chúng ta càng được dẫn đến gần với Ngài tại ngôi vinh hiển. Đức Chúa Trời là Tình Yêu và Ngài muốn con người biết Ngài bằng tình yêu, thể hiện qua sự chúc tụng, tôn thờ.

Lạy Chúa, trước vinh quang và uy quyền của Chúa, xin cho con dạn dĩ đến với Ngài bằng tình yêu tôn thờ.

(c) 2024 svtk.net