Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 18

Hòa Giải Với Chúa, Với Nhau

Phi-lê-môn 1:1-14

"Ô-nê-sim đã xa anh một thời gian ngắn, để trở về với anh mãi mãi, 16không phải làm nô lệ như ngày trước, nhưng đã trở thành đứa em thân yêu của anh" (câu 15, 16 TKHĐ).

Câu hỏi suy ngẫm: Câu chuyện này có những nhân vật nào? Chúng ta có thể biết gì về những nhân vật này và mối liên hệ của họ với nhau? Phao-lô cho chúng ta gương mẫu nào trong việc dẫn đưa tội nhân về với Chúa trong chức vụ hòa giải?

Qua một chuỗi biến cố đặc biệt, Ô-nê-sim, một nô lệ bỏ trốn nhà chủ tại Cô-lô-se đã gặp sứ đồ Phao-lô trong nhà tù tại Rô-ma. Kết quả là Ô-nê-sim đã tin Chúa và đời sống anh được thay đổi. Tuy tên Ô-nê-sim có nghĩa là "người có ích" nhưng anh ta không những "vô ích" mà còn làm thiệt hại cho chủ. Bây giờ, tên anh ta không còn bị đùa cợt cách mỉa mai, vì sau khi tin Chúa anh trở thành người "có ích" (câu 11). Phi-lê-môn, chủ của Ô-nê-sim và là bạn thân của Phao-lô, có lẽ cũng được Phao-lô làm chứng và trở lại với Chúa (câu 1, 19). Sau khi tin Chúa, tinh thần phục vụ của Phi-lê-môn không chỉ giới hạn trong việc cung cấp căn nhà để nhóm họp nhưng còn bày tỏ tình yêu thương trong mối liên hệ với người khác. Chính Phao-lô đã xác nhận tinh thần phục vụ của Phi-lê-môn (câu 4,5,7). Trong mối liên hệ thắm thiết giữa Phao-lô với Phi-lê-môn cũng như với Ô-nê-sim, Phao-lô viết thư này cho Phi-lê-môn nhằm tìm cách giải hòa giữa hai người. Dầu đây là thư cá nhân, Phao-lô cũng mong nhóm tín hữu tư gia tại nhà Phi-lê-môn được đọc đến (câu 1, 2). Có lẽ Phao-lô muốn Hội Thánh học biết tinh thần tha thứ, hòa giải con dân Chúa phải có.

Chắc chắn tình yêu thương và tâm tình của Phao-lô trong chốn lao tù đã cảm hóa Ô-nê-sim, một nô lệ làm những điều sai quấy. Qua Phao-lô, quyền năng của Phúc Âm đã biến đổi Ô-nê-sim đến nỗi trở thành "conÙ, trở thành "lòng dạ" của Phao-lô. Chắc hẳn Ô-nê-sim sau khi tin Chúa đã trở thành người "có ích" giúp đỡ Phao-lô trong chốn lao tù (câu 13). Đời sống của Phao-lô đã cho chúng ta một gương mẫu trong việc dẫn đưa người lạc lối trở về với Chúa.

Mặt khác, qua nội dung bức thư gởi Phi-lê-môn, chúng ta học được phương cách Phao-lô hòa giải những người có vấn đề. Khi viết thư xin Phi-lê-môn tiếp nhận người nô lệ trở về, Phao-lô đã nói đến kinh nghiệm của chính ông. Ô-nê-sim đã trở thành "con" của Phao-lô (câu 10), "như lòng dạ" của Phao-lô (câu 12). Quyền năng của Chúa Cứu Thế đã nối kết Ô-nê-sim và Phao-lô lại với nhau. Nếu điều này đã xảy ra tại Rô-ma thì tại sao không thể xảy ra tại Cô-lô-se? Bí quyết cho lời khuyên giải của Phao-lô là tình thương của ông đối với mọi người. Ông đã có thể nói thẳng thắn với người mà ông thương yêu. Tình yêu thương là động cơ thúc đẩy Phao-lô muốn hòa giải hai người với nhau. Ông không làm điều này vì chức vụ, cũng không phải để kể công, cũng không phải vì một lợi cá nhân nào. Ông cũng không làm điều này với thái độ "truyền lệnh" hay "ép buộc" (câu 14) nhưng với sự khuyên lơn chân thành (câu 9, 14). Ông muốn làm điều này vì lợi ích của cả hai người, đồng thời qua đó cả Hội Thánh sẽ học được tinh thần hòa giải của người Cơ Đốc.

Cảm tạ Chúa vì ân sủng của Chúa đã hòa giải con với Ngài. Xin ân sủng ấp cũng tiếp tục tác động trong con để con có thể hòa giải với người khác cũng như làm cho người khác hòa giải với nhau.

(c) 2024 svtk.net