Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 20

Xưng Tội Và Được Tha Thứ

II Sa-mu-ên 11:1-25

"

"Đa-vít thú tội với Na-than: ‘Ta có tội với Chúa.’ Na-than nói: ‘Chúa tha tội cho bệ hạ, bệ hạ không chết đâu" câu 13 TKHĐ).

Câu hỏi suy ngẫm: Những chuyện gì đã khiến tiên tri Na-than đến với vua Đa-vít? Đáng lẽ Đa-vít phải nhận những hình phạt nào (Lê-vi 20:10 và 24:17)? Những hậu quả nào Đa-vít phải chịu? Tại đây chúng ta thấy gì về ân sủng của Chúa? Câu chuyện Đa-vít phạm tội cảnh cáo chúng ta điều gì? Bạn kinh nghiệm thế nào về ân sủng của Chúa?

Phần Kinh Thánh hôm nay là phần cuối của câu chuyện Đa-vít phạm tội tà dâm với Bát-sê-ba và mưu sát chồng của bà là U-ri. Tiên tri Na-than đã dùng một chuyện ngụ ngôn để vạch tội Đa-vít. Khi nghe chuyện thì vua Đa-vít, với tư cách của người cầm cán cân công lý lúc đó, đã nổi giận về chuyện bất công. Thế nhưng kẻ sai phạm chính là Đa-vít, người dựa vào quyền lực của mình đã vượt mọi luật lệ. Ông đã phản bội sự xức dầu thánh của Chúa trên ông. Tại đây chúng ta thấy lắng nghe ngụ ngôn có thể khám phá về chính con người của mình.

Theo luật báo trả, Đa-vít đáng lẽ phải chết (Xuất Ê-díp-tô 21:23-25; Lê-vi Ký 24:19-21; Phục-truyền Luật-lệ Ký 19:21), nhưng khi ông nhận tội (Thi-thiên 41:4, 51:4) thì bản án dành cho ông được vô hiệu hoá (Gióp 33:26-28). Tuy nhiên hậu quả của tội lỗi đã lan đến gia đình, quốc gia, và triều đại của ông, đem lại cái chết cho con ông và tranh chấp giữa những người con của ông. Tiên tri Na-than đã đến cùng vua Đa-vít với lời kết tội và sau đó, khi Đa-vít ăn năn, Na-than đã tuyên bố lời giải tội.

Trong Kinh Thánh Cựu Ước, không bao giờ có "nguyên nhân" thứ nhì; Đức Chúa Trời là "nguyên nhân" của mọi sự. Đúng là Đức Chúa Trời có thể hành động trong mọi sự nhưng cái nhìn của người Hê-bơ-rơ lúc đó đơn giản hơn chúng ta nhiều. Họ thấy phần thưởng và hình phạt của Chúa xảy ra liền cho con người trước mắt tùy theo việc con người có vâng phục hay sai phạm mạng lệnh của Chúa. Ý thức của cả dân tộc Hê-bơ-rơ lúc đó về sự công bình rất mạnh và họ thấy ngày đêm tay Chúa thực hiện luật công bình. Tuy nhiên, họ cũng bắt đầu thấy mối liên hệ gần gũi với Đức Chúa Trời đem lại sự tha thứ cho kẻ ăn năn thống hối. Tác giả cũng cho thấy Đức Chúa Trời có thể thực hiện mục đích của Ngài bất chấp những bất toàn của con người, ngay cả tội lỗi của tôi tớ Ngài.

Chúng ta biết rằng bệnh hoạn và tàn tật có thể đến trên mọi người. Đó là một phần của thế giới đã sa vào tội. Không phải vì nạn nhân hay cha mẹ của nạn nhân đã phạm tội, chúng ta chỉ biết rằng công việc của Đức Chúa Trời có thể được thực hiện qua những chuyện buồn đó. Thập tự giá cho biết rằng không gì có thể tước đoạt tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta. Trong mọi trường hợp, chúng ta luôn thấy ân sủng của Đức Chúa Trời cho đến khi thời kỳ ân sủng chấm dứt, cơ hội thuận tiện đã qua. Điều quan trọng là chúng ta phải ăn năn kịp thời trước khi "thì thuận tiện" và "ngày cứu rỗi" không còn nữa.

Cảm tạ Chúa đã dùng nhiều cách chỉ cho con thấy được tội lỗi để dẫn con đến sự ăn năn. Xin giúp con thật sự ăn năn và được Ngài tha thứ.

(c) 2024 svtk.net