Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 3

Giữa Hoàn Cảnh Khốn Cùng

Thi-thiên 3

"Ôi Đức Giê-hô-va, Ngài là cái khiên chở che tôi; Ngài là sự vinh hiển tôi, và là Đấng làm cho tôi ngước đầu lên" (câu 3).

Câu hỏi suy ngẫm: Trong hoàn cảnh khốn cùng, tác giả làm gì? Tác giả mô tả thế nào về Đấng ông kêu cầu? Tác giả tin quyết điều gì? Thi-thiên này nhắc nhở bạn điều gì trong cơn hoạn nạn?

Thi-thiên 3 là một trong những bài ai ca do Đa-vít sáng tác khi ông chạy trốn con trai mình là Áp-sa-lôm. Trước hết ông nêu danh Đấng mình kêu cầu, đó là "Đức Giê-hô-va" (c.1). Khi đối diện hoàn cảnh khốn khó, tác giả không kêu cầu một thần linh hay một sức mạnh nào khác hơn là Đức Giê-hô-va, tức Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên. Tác giả kêu xin trực tiếp với Chúa, không dài dòng, hoa mỹ. Bài cầu nguyện đơn sơ cũng hữu hiệu y như những bài cầu nguyện hùng hồn.

Trong câu 1 và 2, Đa-vít mô tả kẻ thù cùng hoàn cảnh nguy kịch của mình, sau đó bày tỏ lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. Với tác giả Đức Giê-hô-va là cái khiên che đỡ, là Đấng nhậm lời cầu xin, Đấng bảo vệ người thuộc về Ngài trong hoàn cảnh dường như vô vọng (c.3-6). Tất cả điều này là chứng cứ hiển nhiên cho thấy Đức Chúa Trời thật đáng tin cậy.

Trong câu 7a "Hỡi Đức Giê-hô-va, hãy chổi dậy! Hỡi Đức Chúa Trời tôi hãy cứu tôi" , Đa-vít dâng lời khẩn xin Chúa cứu giúp. Lời cầu xin trợ giúp trực tiếp được giữ lại cho đến điểm này của bài Thi-thiên, nghĩa là sau khi đã nói ra lòng tin cậy. Như các Thi-thiên ai ca khác, Thi-thiên này có một thế cân bằng giữa việc cầu xin và việc ca ngợi tán tụng. Đây phải là điểm dạy dỗ chúng ta trong những bài cầu nguyện riêng tư.

Câu 7, "Vì Chúa đã vả má kẻ thù... bẻ răng kẻ ác" (c.7) là cách tác giả bày tỏ lòng tin chắc việc Chúa giải quyết nan đề của mình. Các "kẻ thù" và "kẻ ác" không hẳn chỉ con người nhưng về những nan đề, hoạn nạn trong đời sống. Ngôn ngữ ở đây có nghĩa bóng chứ không phải nghĩa đen. Cách dịch diễn ý thích hợp ở đây là "Ngài đã tiêu trừ tất cả vấn nạn của tôi rồi." Đây không phải là lời hứa người thuộc về Chúa được giải cứu, không gặp hoạn nạn khó khăn, nhưng diễn tả lòng tin chắc Chúa sẽ lo liệu theo kế hoạch của Ngài dành cho ta.

Cuối cùng tác giả ca tụng Chúa (c.8). Tác giả đề cao Đức Chúa Trời vì sự thành tín của Ngài. Ngài được công bố là Đấng giải cứu, và trong lời cầu xin Ngài ban phước, Ngài mặc nhiên được tuyên bố là Đấng ban phước.

Thi-thiên này nhắc chúng ta cần giữ quân bình trong lời cầu nguyện. Những lời cầu xin phải quân bình với lời tri ân tán dương; lời than phiền phải quân bình với lời bộc lộ lòng tin cậy. Tác giả đã bộc lộ công khai, tự do nỗi lòng của mình với Đức Chúa Trời chẳng cần che giấu. Cũng như Đa-vít, khi gặp bước đường cùng, bị tuyệt vọng, có vẻ như bị nhiều vấn đề vây chặt, cảm thấy bị thất bại, chúng ta cần bộc lộ tư tưởng, cảm xúc, và trông cậy vào sự thành tín của Đức Chúa Trời. Kẻ thù của chúng ta không hẳn là những con người bằng xương thịt, nhưng là những hoàn cảnh khó khăn, bế tắc, tuyệt vọng. Trong những hoàn cảnh như thế, Đa-vít đã cho chúng ta một kiểu mẫu để ta tương giao với Đức Chúa Trời cách hợp lẽ, đặt lòng tin cậy nơi Ngài, và "trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh em" (I Phi-e-rơ 5:7).

Lạy Chúa, trong hoàn cảnh khó khăn hoạn nạn, xin giúp con biết kêu cầu cùng Ngài để con không sợ hãi, ngã lòng.

(c) 2024 svtk.net