Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 14

Một Đầy Tớ Phạm Tội

Ê-sai 48:1-11

"Dân Ta ơi, hãy nghe! Các ngươi nhân Danh Ta mà thề gian, hứa dối. Các ngươi mang tên Thành Thánh và tự hào là người mang Danh Chúa, nương tựa Thượng Đế của Y-sơ-ra-ên" (câu 1, 2 TKHĐ).

Câu hỏi suy ngẫm: Dân Y-sơ-ra-ên có mối liên hệ gì với Chúa ? Họ bị Ngài quở trách như thế nào? Tác giả dùng cả ba danh hiệu Gia-cốp, Y-sơ-ra-ên, và Giu-đa để chỉ về tuyển dân của Chúa nhằm mục đích gì? Tại sao dân Y-sơ-ra-ên phạm tội Chúa vẫn không dứt bỏ họ? Qua phân đoạn này Chúa nhắc nhở bạn thế nào về vai trò và mục đích của Hội Thánh và của chính bạn giữa trần gian?

Sau khi tiên tri về sự đổ nát của Ba-by-lôn, Ê-sai quay lại với tuyển dân của Chúa là dân lấy "thành thánh làm danh mình, và cậy Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên" (c.2). Tuy là tôi tớ Chúa, dân Y- sơ-ra-ên đã không giữ lời dạy của Ngài, tôn thờ và phục vụ các thần linh giả dối, thực hành những nghi lễ vô luân. Hai câu đầu, tác giả tố cáo tội giả hình của con dân Chúa và kêu gọi họ lắng nghe Lời Ngài. Tác giả kết hợp cả ba danh hiệu Gia-cốp, Y-sơ-ra-ên, và Giu-đa để chỉ về tuyển dân của Chúa. Suốt Cựu Ước, danh xưng "Y-sơ-ra-ên" được dùng theo nhiều nghĩa nhằm mở đường cho khái niệm "Y-sơ-ra-ên thuộc linh" được Phao-lô đề cập trong Tân Ước. Về phương diện lịch sử, Y-sơ-ra- ên là tên Chúa đặt cho Gia-cốp, còn Giu-đa là chi phái được chọn để từ đó Chúa Cứu Thế ra đời. Tác giả dùng cả ba danh xưng nhằm nhấn mạnh đến di sản thuộc linh của tuyển dân, đồng thời cho thấy tuyển dân đã hình thành và tồn tại nhờ ân sủng của Đức Chúa Trời.

Sống trong ân sủng của Chúa, đáng ra họ phải hết lòng tôn thờ và phục vụ Ngài, phải nhận thức rõ ràng mục đích Chúa lựa chọn và ban phước là để họ trở thành nguồn phước cho muôn dân. Tuy nhiên Y-sơ-ra-ên đã không sống đúng với vai trò và mục đích Chúa kêu gọi. Thay vì tôn thờ và làm sáng danh Chúa, họ đã tôn thờ và phục vụ các thần tượng vô nghĩa. Dầu nhiều lần Chúa khuyên dạy họ qua các tiên tri, các biến cố lịch sử, họ vẫn "cứng cỏi, gáy như gân sắt, trán như đồng" không chịu quay lại tôn thờ Chúa Hằng Sống và Chân Thật. Chúa nói trước những gì sẽ đến, để khi việc xảy ra, họ không còn lý do bào chữa. Chúa ban sứ điệp rõ ràng nhưng vì thái độ bội nghịch, họ đã bịt tai không chịu nghe Lời Chúa. Sự đui mù thuộc linh khiến họ không nhận biết chân lý của Chúa.

Dù dân Y-sơ-ra-ên phạm tội Chúa vẫn không hoàn toàn tiêu diệt họ. Lý do như Chúa đã nói, "Vì Danh Ta, Ta nín giận; vì vinh quang Ta, Ta triển hạn để các ngươi khỏi bị diệt vong ngay" (c.9). Chúa không dứt bỏ Y-sơ-ra-ên vì Ngài muốn dùng dân tộc này như phương tiện mang sự cứu chuộc đến toàn thế giới. Chúa dùng Ba-by-lôn tinh luyện họ trong lò hoạn nạn để họ xứng đáng là tuyển dân và sống đúng vai trò của một đầy tớ. Những dơ bẩn, tội lỗi phải được thanh tẩy để họ trở thành thỏi bạc tinh ròng phản chiếu chính hình ảnh Chúa. Họ phải là nhân chứng về tình yêu, sự công chính và thánh khiết của Ngài giữa trần gian.

Mỗi chúng ta được Chúa lựa chọn để trở thành một nước thầy tế lễ, một dân thuộc riêng về Ngài. Chúa muốn con dân Ngài phản chiếu chính bản chất của Ngài. Chúa muốn chúng ta sống như một đầy tớ phục vụ Ngài cách thành tâm và trung tín. Chúa muốn qua chúng ta người khác nhận biết Chúa. Tuy nhiên đã bao lần chúng ta sống không đúng với vai trò và mục đích Chúa đặt để chúng ta giữa trần gian. Hội Thánh của Chúa cũng như mỗi chúng ta là đầy tớ của Chúa. Một đầy tớ tội lỗi cần được tha thứ và cần được biến đổi, tinh luyện để phản chiếu ánh sáng của Chúa giữa trần gian.

Xin Chúa tha thứ và tinh luyện con để con được Ngài sử dụng như một đầy tớ hữu dụng cho Ngài giữa trần gian.

(c) 2024 svtk.net