Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 26

Phúc Âm Không Biên Giới

Công-vụ các Sứ-đồ 10:11-15; Công-vụ các Sứ-đồ 10:34-45

"Vì chưng anh em bởi tin Đức Chúa Jêsus Christ, nên hết thảy đều là con trai của Đức Chúa Trời, tại đây không còn chia ra người Giu-đa hoặc người Gờ-réc; không còn người tôi mọi hoặc người tự chủ; không còn đàn ông hoặc đàn bà; vì trong Đức Chúa Jêsus Christ, anh em thảy đều làm một" (Ga-la-ti 3:26,28).

Câu hỏi suy ngẫm: Khải tượng Phi-e-rơ nhìn thấy có ý nghĩa gì? Tại sao Đức Chúa Trời cho ông nhìn thấy khải tượng đó? Phi-e-rơ đã làm gì khi hiểu được ý nghĩa khải tượng? Qua khải tượng của Phi-e-rơ, bạn nhận thức điều gì và được thúc giục làm gì?

Thoạt đầu Phi-e-rơ tin Phúc Âm của Chúa phục sinh là Phúc Âm cho người Do Thái. Chúa Giê-xu là Đấng Mết-si-a của người Do Thái mà thôi. Nhưng Đức Chúa Trời đã cho Phi-e-rơ nhìn thấy một khải tượng tại thành phố cảng Giốp-bê. Ông thấy từng trời mở ra và vật gì giống như một tấm khăn lớn từ trời hạ xuống đất. Trong tấm khăn đó có đủ loại thú bốn chân, loài bò sát và chim trời, là những giống vật mà tín ngưỡng Do Thái cho là ô uế. Rồi Phi-e-rơ nghe một tiếng lớn phán rằng, "Hỡi Phi-e-rơ, hãy dậy, làm thịt và ăn." Phi-e-rơ phản đối: "Lạy Chúa, chẳng vậy; vì tôi chẳng ăn giống gì dơ dáy chẳng sạch bao giờ." Tiếng đó lại phán cùng ông lần thứ hai rằng: "Phàm vật chi Đức Chúa Trời đã làm cho sạch, thì chớ cầm bằng dơ dáy" (Công-vụ các Sứ-đồ 10:11-15).

Ban đầu Phi-e-rơ không hiểu được ý nghĩa khải tượng, nhưng hôm sau, khi ông gặp nhóm người ngoại bang, thì ý nghĩa của khải tượng trở nên rõ ràng cho ông. Trong giây phút nhận biết chân lý Đức Chúa Trời mạc khải, Phi-e-rơ nói: "Các ông biết rằng theo luật người Do Thái không được phép quan hệ hay đến thăm nhà một người ngoại bang; nhưng Đức Chúa Trời đã tỏ cho tôi biết rằng tôi không được coi một người nào là ô uế hay chẳng tinh sạch" (Công-vụ các Sứ-đồ 10:28). Trong bài giảng cho những người ngoại bang nầy, Phi-e-rơ giảng giải rõ ràng ý nghĩa khải tượng ông đã nhìn thấy. Ông nói, "Quả thật, ta biết Đức Chúa Trời chẳng thiên vị người nào, nhưng trong mọi nước, hễ ai kính sợ Ngài và làm sự công bình, thì nấy được đẹp lòng Ngài (làm theo lẽ phải thì Ngài chấp nhận)" (Công-vụ các Sứ-đồ 10:34- 35) và rồi kết luận "Hết thảy các đấng tiên tri đều làm chứng nầy về Ngài rằng hễ ai tin Ngài thì được sự tha tội vì danh Ngài" (Công-vụ các Sứ-đồ 10:43).

Thế giới của Phi-e-rơ đã bị đảo ngược bởi sự Phục Sinh của Chúa Giê-xu. Luật pháp và lễ nghi trước đây đã tách rời dân tộc của ông với những dân tộc khác đã bị phá bỏ bởi đời sống, sự chết và sự sống lại của Chúa Giê-xu. Phi-e-rơ bắt đầu học những gì ông phải công bố như là chân lý trọng tâm mà Đức Chúa Trời đã mạc khải cho ông. Ý nghĩa của sự phục sinh phá bỏ tất cả hàng rào trước đây ngăn cách con người. Phục sinh thay thế sự chia rẻ bằng sự hiệp nhất. Phục sinh thách thức chúng ta thay thế lòng nghi ngờ và e sợ người khác bằng sự cảm thông và yêu thương. Phục sinh không chỉ là tin mừng sự sống đã chiến thắng sự chết nhưng còn thách thức chúng ta vượt qua mọi hàng rào ngăn cách, sự lo sợ, nghi ngờ, xa lạ, chia rẽ giữa chúng ta với người khác.

Xin Chúa giúp con vượt qua những biên giới phân cách con người để con có thể mang Tin Mừng của Ngài đến cho người khác.

(c) 2024 svtk.net