Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 12

Một Thế Hệ Không Biết Chúa

Các Quan Xét 2:6-23

"Hỡi Giê-hô-va, Đức Chúa Trời chúng tôi, xin hãy cứu chúng tôi; nhóm hiệp chúng tôi từ giữa các nước, hầu cho chúng tôi cảm tạ danh thánh Chúa" (Thi-thiên 106:47).

Câu hỏi suy ngẫm: Sau khi Giô-suê qua đời, thế hệ kế tiếp ông có những đặc điểm nào? Nguyên nhân nào đưa đến tình trạng như thế? Bằng cách nào Chúa sửa dạy họ? Hội Thánh ngày nay cần chuẩn bị thế nào cho những thế hệ kế tiếp?

Do ảnh hưởng của các dân tộc ngoại bang, sau khi thế hệ của Giô-suê qua đi, thế hệ tiếp theo đã không nhìn biết Chúa. Chúng ta có thể thấy một số đặc điểm của thế hệ mới này.

Họ quên những gì Đức Giê-hô-va đã làm (c.6-10). Trong lịch sử Y-sơ-ra-ên, Giô-suê đã đứng cạnh Môi-se như vị anh hùng vĩ đại, thế nhưng thế hệ mới chẳng nhận biết ông là ai và ông đã làm gì. Điều này cũng có nghĩa là họ đã quên những gì Chúa đã làm qua vị tướng lãnh tài ba này.

Họ từ bỏ những gì Đức Giê-hô-va phán dặn (c.11-13). Nếu họ nhớ đến Giô-suê thì họ đã biết "những lời từ giã" của ông nói với cấp lãnh đạo và dân Y-sơ-ra-ên (Giô-suê 23-24). Nếu họ biết những lời này thì họ đã biết Luật pháp Môi-se; vì trong sứ điệp cuối cùng của ông, Giô-suê đã nhấn mạnh đến giao ước Đức Chúa Trời lập với dân Y-sơ-ra-ên và trách nhiệm của họ phải giữ giao ước đó. Khi bạn quên Lời Đức Chúa Trời, bạn có nguy cơ sẽ từ bỏ Lời Đức Chúa Trời, điều này giải thích tại sao dân Y-sơ-ra-ên quay sang thờ thần Ba-anh đồi bại và xấu xa.

Họ đánh mất những gì Đức Giê-hô-va đã hứa (c.14-15). Khi chiến đấu với kẻ thù, dân Y-sơ-ra-ên bị thua trận vì Đức Giê-hô-va không ở cùng họ. Đây là điều Môi-se đã cảnh cáo (Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:25- 26). Nhưng không phải chỉ có thế: kẻ th" của dân Y-sơ-ra-ên cuối cùng đã trở thành chủ của họ! Đức Chúa Trời đã cho phép hết dân này đến dân khác xâm chiếm Đất Hứa và bắt dân Ngài làm nô lệ, khiến cuộc sống của họ khốn khổ đến nỗi họ phải kêu cầu giúp đỡ.

Họ không học được qua những việc Đức Giê-hô-va đã làm (c.16-23). Bất cứ khi nào dân Y-sơ-ra- ên xây bỏ Đức Giê-hô-va để thờ thần tượng, Ngài đều nghiêm khắc trừng phạt họ; và trong cơn khốn khó, họ quay lại với Ngài, Ngài giải cứu họ. Nhưng ngay khi họ được tự do và tình hình thuận lợi trở lại thì họ quay trở lại tội lỗi cũ ngay. "Dân Y-sơ-ra-ên làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va . . .Vì vậy, cơn thạnh nộ của Đức Giê-hô-va nổi phừng cùng Y-sơ-ra-ên, Ngài phó chúng vào tay . . . " là câu nói thường được lặp đi lặp lại như một chu kỳ (3:7, 8, 12; 4:1-4; 6:1; 10:6-7; 13:1). Con dân Chúa không học được những bài học Ngài muốn dạy họ và không nhận được lợi ích nào qua sự trừng phạt của Ngài.

Ngày nay chúng ta cũng thấy được chu kỳ bất tuân, trừng phạt, kêu cầu, và giải cứu. Đức Chúa Trời giàu lòng thương xót đối với dân sự Ngài, nhưng Ngài nổi giận đối với tội lỗi của họ. Nếu không có sự sửa phạt thiên thượng theo sau sự bất tuân, thì người đó không thật sự là con của Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời sửa trị tất cả con cái Ngài (Hê-bơ-rơ 12:3-13). Khi tác giả Thi-thiên nhìn lại thời kỳ Các Quan Xét (Thi-thiên 106:40-46), ông kết luận bằng một lời cầu nguyện mà chúng ta cần cho ngày nay: "Hỡi Giê-hô-va, Đức Chúa Trời chúng tôi, xin hãy cứu chúng tôi; nhóm hiệp chúng tôi từ giữa các nước, hầu cho chúng tôi cảm tạ danh thánh Chúa" (Thi-thiên 106:47).

Lạy Chúa, xin Chúa cứu dân tộc con để mọi người biết quay lại tôn vinh chúc tụng Danh Ngài.

(c) 2024 svtk.net