Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 8

Một Đời Sống Được Biến Cải

Phi-lê-môn 1-20

"Có lẽ Ô-nê-sim đã xa anh một thời gian ngắn, để trở về với anh mãi mãi, không phải làm nô lệ như ngày trước, nhưng đã trở thành đứa em thân yêu của anh" (c.15, 16 TKHĐ).

Câu hỏi suy ngẫm: Phao-lô muốn Phi-lê-môn đối xử với Ô-nê-sim như thế nào? Phi-lê-môn có thể phải mất gì khi phải quyết định số phận Ô-nê-sim? Theo bạn tại sao Phao-lô để cho Phi-lê-môn tự do quyết định về chuyện Ô-nê-sim? Nếu bức thơ Phi-lê-môn được viết cho chúng ta ngày hôm nay thì có thể Phao-lô sẽ kêu gọi chúng ta làm gì?

Đây là bức thơ riêng của Phao-lô gởi cho Phi-lê-môn, một người tin Chúa qua lời giảng của ông (c.19b) và bây giờ căn nhà của Phi-lê-môn được Hội Thánh dùng làm nơithờ phượng (c.2). Có thể Phao-lô viết thư này từ trong tù tại La Mã khoảng năm 50 hay 60, cũng có thể từ Ê-phê-sô khoảng năm 56 S.C. Ô-nê-sim trước kia là nô lệ của Phi-lê-môn đã bỏ trốn và đã được Phao-lô hướng dẫn tin Chúa (c.10).

Luật thời đó xử những nô lệ bỏ trốn rất nặng. Đúng theo luật định, Phao-lô gởi trả người nô lệ lại cho chủ, nhưng trong trường hợp này Phao-lô khuyên Ô-nê-sim trở về. Phao-lô nhận trách nhiệm đền bù tất cả những thiệt hại đã gây ra cho người chủ. Nhưng bằng cách nhã nhặn, khéo léo Phao-lô đã yêu cầu Phi-lê-môn tiếp nhận Ô-nê-sim. Phao-lô chơi chữ với tên của Ô-nê-sim (có nghĩa là "ích lợiÙ) khi bảo rằng "ngày trước người không ích gì cho anh, nhưng bây giờ sẽ ích lắm" (c.11) và kêu gọi lòng rộng lượng của Phi-lê-môn (c.20). Không phải Phao-lô chỉ dựa vào sự kính nể mà Phi- lê-môn dành cho ông nhưng cũng dựa vào thực tại là người nô lệ Ô-nê-sim nay đã là "anh em yêu dấu" trong Chúa. Phi-lê-môn được tự do quyết định hành động của ông: hoặc trừng phạt Ô-nê-sim, hoặc phóng thích Ô-nê-sim, hoặc nhận Ô-nê-sim như một người đồng công trong việc truyền giáo. Phao-lô dám bảo một người chủ nô lệ từ bỏ gã nô lệ Ô-nê-sim như một tài sản đắt tiền. Hơn nữa, Phao-lô còn muốn Phi-lê-môn không xem Ô-nê-sim như một nô lệ nhưng như một anh em.

Hội Thánh đầu tiên không trực tiếp đả phá chế độ nô lệ đang thịnh hành nhưng đã giảng dạy một lối sống nhằm xóa bỏ sự ngăn cách giữa chủ và tớ. Tinh thần Cơ Đốc là tinh thần bình đẳng và tha thứ. Trước mặt Chúa, mọi người đều bình đẳng vì tất cả đều được Chúa chết thay cho. Trong Chúa Cứu Thế, chúng ta có chung một Cha trên trời, vì thế chúng ta phải đối xử với nhau như anh em trong đại gia đình của Đức Chúa Trời. Trong Chúa Cứu Thế, chúng ta đã được Đức Chúa Trời tha thứ, vì thế, như Chúa đã tha thứ chúng ta thế nào, chúng ta cũng phải tha thứ nhau thể ấy. Tình thần bình đẳng và tha thứ sẽ dẫn chúng ta đến sự hiệp một, và đây là đặc điểm mà thế gian cần nhìn thấy trong Hội Thánh của Chúa.

Lạy Chúa, xin giúp con thể hiện tinh thần tha thứ trong Hội Thánh và đối xử nhau như anh chị em trong Chúa.

(c) 2024 svtk.net