Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 11

Chứng Cớ Của Tình Yêu

I Ti-mô-thê 1:12-17

"Nhưng ta đã đội ơn thương xót, hầu cho Đức Chúa Giê-xu Christ tỏ mọi sự nhịn nhục của Ngài ra trong ta là kẻ làm đầu, để dùng ta làm gương cho những kẻ sẽ tin Ngài được sự sống đời đời" (câu 16).

Câu hỏi suy ngẫm: Phao-lô nhận thức điều gì về chính mình? Ân sủng của Chúa đã đem lại điều gì cho chính ông, cho Hội Thánh, cho Đức Chúa Trời? Đức Chúa Trời có thể thay đổi đời sống của chúng ta cách nào? Bạn kinh nghiệm điều này ra sao?

Hai bức thư Phao-lô gởi cho Ti-mô-thê và Tít được gọi là thư tín mục vụ vì được gởi cho những người đang lãnh đạo Hội Thánh, nói nhiều đến trật tự, cách quản trị và sự thờ phượng trong Hội Thánh. Những lời khuyên dạy của Phao-lô phát xuất từ tấm lòng yêu Chúa và yêu Hội Thánh thiết tha. Với tâm tình đó, Phao-lô đã được Chúa soi sáng để có những lời khuyên quí giá, không những cho những người lãnh đạo Hội Thánh ban đầu nhưng cho cả những thế hệ về sau.

Phần Kinh Thánh hôm nay, Phao-lô cảm tạ sự thương xót của Đức Chúa Trời đã xức dầu cho ông làm sứ đồ, ông không bao giờ quên được trước đây ông đã bắt bớ, hành hạ các tín hữu trong Hội Thánh nặng nề. Phao-lô muốn nhắc Ti-mô-thê rằng đó là bằng cớ của lòng thương xót mà Đức Chúa Trời sẵn dành cho ông cũng như cho mọi người. Phao-lô đã bị xem là thành phần không thể chấp nhận được: kẻ lộng ngôn, người bắt bớ, kẻ giết người. Những người "sáng suốt" chắc hẳn lẫn tránh ông. Nhưng Phao-lô đã làm chứng, sự biến đổi của ông là bằng chứng về lòng nhân từ, thương xót của Chúa Cứu Thế và là lý cớ để ông được tiếp đón vào Hội Thánh của Ngài.

Phao-lô cảm tạ Chúa vì Ngài đã cứu ông. Đời sống ông trở thành một mô hình về việc tội nhân được biến cải nhờ lòng thương xót của Chúa. "Ấy là lời chắc chắn" là một cách nói Phao-lô thường dùng (1:15, 3:1, 4:9; II Ti-mô-thê 2:11; Tít 3:8) để xác quyết niềm tin của mình sau khi kinh nghiệm ân sủng kỳ diệu của Đức Chúa Trời. Đây cũng là lời kêu gọi người khác tiếp nhận ân sủng đó. Cách nói này được dùng trong những bài giáo lý căn bản và trong thánh ca mà Hội Thánh lúc đó sử dụng. Cuộc đời Phao-lô là một gương mẫu về quyền năng biến đổi con người của Đức Chúa Trời giàu lòng thương xót. Chúa không chỉ tìm và cứu Phao-lô trên đường Đa-mách nhưng còn tìm và cứu mỗi chúng ta như người chăn tìm và cứu từng con chiên lạc mất. Chúa cứu chúng ta không phải vì chúng ta tốt lành, đạo đức nhưng vì sự thương xót của Ngài, vì thế chúng ta phải cảm tạ Chúa thay vì tự mãn. Đời sống chúng ta phải là bằng cớ về tình yêu và ân sủng của Chúa để qua đó người khác tin nhận Chúa và được cứu rỗi.

Cảm tạ Chúa vì con được cứu nhờ ơn thương xót của Ngài. Xin Chúa dùng con làm gương cho những kẻ sẽ tin Ngài được sự sống đời đời.

(c) 2024 svtk.net