Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 12

Chúa Yêu Tội Nhân

Lu-ca 15:1-10

"Ta nói cùng các ngươi, trước mặt thiên sứ của Đức Chúa Trời cũng như vậy, sẽ mừng rỡ cho một kẻ có tội ăn năn" (câu 10).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao người Pha-ri-si tức giận về hành động của Chúa Giê-xu? Hai câu chuyện ngụ ngôn này giống nhau và khác nhau những điểm nào? Theo bạn ai là những "phường thâu thuế và kẻ tội nhân" ngày nay? Bạn học được gì về tình yêu của Chúa và được nhắc nhở điều gì qua câu chuyện này?

Chúa Giê-xu thuật hai câu chuyện này để giải thích lý do Ngài giao tiếp với "kẻ thâu thuế và phường tội nhân," đồng thời minh họa niềm vui của thiên đàng khi tội nhân ăn năn.

Giao tiếp với kẻ tội lỗi là điều rất cấm kÿ, nhất là theo cái nhìn của những người Pha-ri-si thời đó. "Kẻ tội lỗi" là những kẻ sống cuộc đời truÿ lạc hoặc làm những nghề bị khinh bỉ thời đó như thâu thuế, chăn chiên, v.v. Cũng như phụ nữ thời đó, những "kẻ tội lỗi" không được quyền làm nhân chứng trong tòa án. Người thời đó trọng người giàu, nhưng Lu-ca cho thấy không phải kẻ giàu nào cũng được nghênh tiếp trong xã hội đó vì còn tùy thuộc họ thuộc về giống dân nào, làm nghề gì, thuộc giai cấp nào. Vì thế Lu-ca không nhấn mạnh sự nghèo khổ của những kẻ đến cùng Chúa Giê-xu mà ông để ý đến những kẻ bị xem thường, ruồng bỏ, khinh miệt.

Chúa Giê-xu muốn thay đổi quan niệm và thái độ của những người đương thời. Ngài dùng câu chuyện người chăn hết lòng đi tìm chiên lạc và người đàn bà đi tìm đồng tiền lạc mất để cho thấy Đức Chúa Trời yêu thương tội nhân. Tấm lòng muốn tìm kiếm tội nhân của Đức Chúa Trời được thể hiện rõ qua chức vụ của Chúa Giê-xu. Đức Chúa Trời yêu thương con người khi họ còn là kẻ có tội; Ngài vui mừng khi kẻ lạc mất biết ăn năn trở lại với Ngài. Lu-ca không cố dùng những từ ngữ đẹp để gọi những hạng người đó. Ông thẳng thắn gọi họ là phường thâu thuế và kẻ tội nhân, nhưng thêm vào đó ông chép rằng họ đến gần Chúa Giê-xu. Những người Pha-ri-si tức giận về chuyện này. Tuy nhiên sự tức giận của họ càng làm nổi bật nỗi vui mừng tìm kiếm được những gì đã lạc mất.

Phúc Âm của Lu-ca bao gồm mọi hạng người, mọi dân tộc. Lu-ca thường đề cập đồng đều cả nam lẫn nữ (xem thêm 2:25-38, 13:18-21 và 17:34-35). Và tại đây ông ghi lại hai chuyện ngụ ngôn, một nhân vật nam, một nhân vật nữ. Người đàn ông đã tìm được chiên mình và người đàn bà đã tìm được đồng bạc lạc mất của mình. Cần nhớ khi chúng ta đến với Chúa, không ai đến vì mình tốt đẹp; ai cũng là những tội nhân được Chúa thương xót.

Người Pha-ri-si lúc đó chỉ trích Chúa Giê-xu vì đã ăn chung với phường "không đàng hoàngÙ, "thiếu tư cách." Tuy nhiên chính nhờ tinh thần bao dung của Chúa mà nhiều kẻ tội nhân bị khinh rẻ đã đến với Ngài. Không phải người khỏe mạnh nhưng người bịnh mới cần thầy thuốc. Thời nào cũng có một số người bị xã hội khinh bỉ. Họ có thể là người có màu da khác hay thuộc tầng lớp xã hội khác chúng ta. Họ có thể ăn nói khác, ăn mặc khác, suy nghĩ khác. Sống trong xã hội như thế, chúng ta cần học tinh thần dung nạp của Chúa, của Phúc Âm để noi gương Chúa "tìm và cứu kẻ bị hư mất.Ù

Xin Chúa giúp con có thể yêu tội nhân, tìm và cứu kẻ bị hư mất.

(c) 2024 svtk.net