Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 15

Kinh Nghiệm Nước Trời

Mác 1:29-34

"Ngài bèn lại gần, cầm tay người đỡ dậy; bịnh rét dứt đi, và người bắt tay hầu hạ" (câu 31).

Câu hỏi suy ngẫm: Chúa chữa lành cho bà gia Phi-e-rơ phát xuất từ động cơ nào? Mục đích Chúa chữa bịnh hay làm phép lạ là gì? Bà gia Phi-e-rơ làm gì sau khi được chữa lành? Bài học hôm nay cho chúng ta niềm hy vọng nào về Nước Đức Chúa Trời trong hiện tại và tương lai mà Chúa Giê-xu rao giảng?

Nước Đức Chúa Trời không những loại trừ thế lực của ma quỷ, đồng thời cũng điều chỉnh lại những sai trật, trục trặc trong thế giới loài người, kể cả tội lỗi và bịnh tật. Chúa Giê-xu đến thực hiện Nước Đức Chúa Trời, chữa lành bệnh tật tâm linh (tội lỗi) cũng như thể xác (bệnh tật). Chúa Giê-xu đến nhà của Phi-e-rơ và chữa lành cho bà gia của Phi-e-rơ.

Hành động chữa lành của Chúa phát xuất từ sự cảm thông và lòng trắc ẩn của Ngài. Chúa dùng thẩm quyền, uy quyền của Ngài tác động trên bệnh tật như Ngài đã dùng uy quyền của Ngài tác động trên quyền lực của ma quỷ. Chúa Giê-xu làm phép lạ không phải như một việc kỳ diệu để gây ấn tượng cho dân chúng bằng quyền năng siêu nhiên của Ngài, nhưng như một dấu hiệu về sự hiện diện đầy ân sủng và quyền năng thiên thượng của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu loại trừ bệnh tật cũng là cách công bố bằng hành động rằng Nước Đức Chúa Trời đã đến gần. Mác dùng chữ "đỡ dậy" trong câu 31 cùng một từ ngữ mà ông dùng để chỉ về sự phục sinh của Chúa Giê-xu (14:28, 16:6). Điều này cho chúng ta thấy sự liên hệ giữa sự chữa lành và sự phục sinh. Sự sống lại của Chúa chiến thắng quyền lực của sự tối tăm và điều ác bảo đảm cho chúng ta một sự sống mới.

Mác cũng cho thấy sau khi bà gia của Phi-e-rơ được lành bịnh, bà bắt đầu phục vụ. Động từ mà Mác dùng ở đây cùng chữ với chữ hầu việc mà ông dùng trong câu 13. Từ động từ này, chúng ta có chữ chấp sự (deacon), có nghĩa là người phục vụ. Và như thế một lần nữa, Mác đã cho chúng ta thấy một ý nghĩa rộng rãi hơn về Phúc Âm của Nước Đức Chúa Trời được thể hiện trong chúng ta. Trước hết, chúng ta quay khỏi tất cả những điều gì thuộc về tội ác, ma quỷ, và đứng về phía của Đức Chúa Trời. Tiếp theo, chúng ta dùng đời sống mới mà Đức Chúa Giê-xu đã ban cho để phục vụ người khác.

Sau khi Mác tường thuật việc Chúa Giê-xu chữa bệnh cho bà gia Phi-e-rơ, Mác cũng nói đến Chúa Giê-xu chữa lành nhiều thứ bệnh tật và đuổi nhiều quỷ. Đi bất cứ nơi đâu, khi đối diện với ma quỷ thì Ngài trừ quỷ, khi đối diện với bệnh tật, thì Ngài chữa lành. Đó là dấu hiệu của Nước Đức Chúa Trời đã đến. Đây là niềm hy vọng cho tất cả những môn đồ của Chúa về Nước Đức Chúa Trời sẽ hoàn tất trọn vẹn trong tương lai. Tại đó sẽ không còn đau đớn, bệnh tật và điều ác nữa. Tại đó, ma quỷ sẽ không còn lộng hành, thay vào đó, Chúa Giê-xu sẽ ở giữa dân của Ngài và cai trị họ.

Xin Chúa cho con ăn năn tội lỗi và tin nhận Phúc Âm để kinh nghiệm được Nước Đức Chúa Trời ngay trong hiện tại.

Giới Thiệu Thư Rô-ma

Trên nhiều phương diện, thư Rô-ma là đỉnh cao của sự Khải-huyền Tân Ước. Trong thư này, Phao-lô khéo léo trình bày những huyền nhiệm của thần học và gợi lên những áp dụng thực tiễn trong cuộc sống mỗi ngày. Ông vẽ một bức tranh về tình trạng hư mất của con người mà dường như nó xuất hiện hằng ngày trên trang đầu của các tờ báo tin tức ngày nay. Ông chỉ cho chúng ta thấy Phúc Âm vinh hiển của Đức Chúa Giê-xu Christ và sự trọn vẹn của nó, đồng thời kêu gọi chúng ta bước đi với Ngài trong quyền năng Thánh Linh, an ninh trong tình yêu thương không dời đổi của Thượng Đế. Và ông cũng bày tỏ nhiều điều về chính mình những kế hoạch, những tranh chiến, hy vọng, và bạn bè giúp chúng ta đánh giá con người bên trong của vị sứ đồ vĩ đại. Mười một chương đầu của thư Rô-ma giải thích về thần học giải cứu. Phao-lô trình bày với chúng ta quyền tể trị của Đức Chúa Trời trong Phúc Âm, nêu bật ân sủng cứu rỗi Ngài công bố và điều kiện của sự ăn năn cũng như đức tin nơi những người sẽ được cứu. Đặc biệt trong chương 9-11, ông nói đến huyền nhiệm của sự lựa chọn, giải thích mối quan hệ giữa những người Do Thái và các tín nhân trong Đức Chúa Giê-xu Christ. Đỉnh điểm của phần này là bài hát ngợi khen Đức Chúa Trời về ân sủng kỳ diệu của Ngài (Rô-ma 11:33-36). Chương 12-16 bàn đến những áp dụng thực tiễn của Phúc Âm trong Thân Thể Đấng Christ. Phần thảo luận của Phao-lô về các ân tứ thuộc linh và những trách nhiệm của chúng ta đối với nhau thật rất ích lợi cho những ai đọc chúng với con mắt đức tin và sự vâng phục. Sách này cần được nghiên cứu cẩn thận, vì nó chứa đựng nhiều phân đoạn đầy tính thách thức và khó khăn. Khi đọc qua toàn bộ sách này, bạn sẽ nhận được một cái nhìn tươi mới về ân sủng của Đức Chúa Trời và hy vọng có một quyết định tươi mới để theo Ngài trong mọi khía cạnh của cuộc sống.

(c) 2024 svtk.net