Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 3

Cầu Xin Cụ Thể

Thi-thiên 27:7-14

"Hãy trông đợi Đức Giê-hô-va; Hãy vững lòng bền chí. Phải, hãy trông đợi Đức Giê-hô-va"(c.14).

Câu hỏi suy ngẫm: Những điều cụ thể nào Đa-vít trình dâng lên Chúa? Khi nhìn lại những ơn Chúa đã ban cho, giúp Đa-vít có thái độ sống thế nào? Điều cụ thể nào bạn dâng lên Chúa hôm nay? Bạn có thật lòng tin Chúa nhận lời cầu xin của bạn không?

Sau khi xác nhận đức tin nơi Chúa và lòng nguyện ước trên hết của mình, Đa-vít dâng lên lời cầu xin cụ thể. Chúng ta thấy lời cầu nguyện của vua Đa-vít có những đặc điểm nào? Trước hết ông mời Chúa nghe lời ông kêu cầu (c.7). Tiếp theo, ông trình bày tấm lòng và những điều cầu xin cụ thể (c.8-12). Điều cầu xin cụ thể chính yếu của Đa-vít là xin Chúa bảo vệ ông khỏi tay kẻ thù. Đa-vít cũng nhắc lại những ân huệ Chúa đã ban cho ông trong quá khứ. Chúa đã từng yêu thương cứu giúp ông ra khỏi cảnh ngặt nghèo, những lúc cô thế mà cả những người thân yêu nhất như cha mẹ cũng đã phải bỏ rơi ông. Chúng ta cũng có những nhu cầu, cũng gặp những hoàn cảnh ngặt nghèo khác nhau. Dù gì đi nữa, chúng ta cũng có thể mạnh dạn xin Chúa cứu giúp, vì Chúa yêu thương chúng ta, Ngài không bao giờ lìa, không bao giờ bỏ chúng ta. Nhưng chúng ta chú ý đến điều quan trọng Đa-vít đã xin, ấy là ông xin Chúa bày tỏ ý Ngài để ông vâng theo. Đây là lời cầu nguyện tốt đẹp chúng ta cần bắt chước. Vì nhiều người trong chúng ta cũng tra tìm, học hỏi và mong biết ý Chúa, nhưng có khi biết để mà biết, biết để mở mang kiến thức, biết để khoe khoang, sự hiểu biết tốt hơn cả là hiểu biết để vâng lời. Sau cùng Đa-vít xác nhận niềm hy vọng vững chắc ông đặt vào Chúa. Dầu sự cứu giúp chưa đến, ông vẫn vững lòng bền chí. Đây là thái độ của lòng tin vững chắc:"khi cầu nguyện thì tin tưởng như đã được".

Lạy Chúa, xin giúp con luôn vững lòng tin cậy nơi Ngài là Đấng cứu chuộc, là đồn lũy của con và là Cha yêu thương con.

Giới thiệu Phúc Âm Giăng

Trong những ngày tháng tới chúng ta sẽ cùng nhau học Phúc Âm Giăng. Trong phần đầu, chúng ta nghiên cứu về chức vụ của Chúa Giê-xu. Tính cách hằng hữu của Chúa được nêu rõ ngay từ đầu. Ngài là Ngôi Lời, là Ánh Sáng của thế gian, là Chiên Con cất đi tội lỗi của chúng sinh, là Bánh, là Nước hằng sống, là Người Chăn tận tụy. Ngài là Đấng Christ của cả hoàn vũ, được Thiên Phụ sai đến không phải để đoán phạt mà là cứu rỗi thế gian. Chúng ta cũng học về các môn sinh, môn đệ của Ngài, học về các phương cách Ngài dạy dỗ họ. Chúng ta sẽ thấy họ ngạc nhiên, sững sờ thế nào trước vài thái độ của Thầy mình mà họ cho là bất thường, chẳng hạn như khi Ngài nổi giận lật đổ bàn ghế trong đền thờ, hoặc khi Ngài nói với người đàn bà Sa-ma-ri. Chúng ta thấy được các môn đệ tăng tiến đức tin, một số thì ngã lòng dầu rằng trước đó đã hứa nguyện theo Thầy mình dù phải chết. Lắm khi sự hoang mang của các môn đồ lại khiến cho ta thấy rõ thêm tình yêu thương và quyền năng của Chúa. Cũng như người Hy Lạp xưa kia, chúng ta cùng đến Giê-ru-sa-lem để được nhìn xem Chúa. Chúng ta sẽ thấy Ngài là Cứu Chúa yêu thương và quyền năng; khi Ngài phó mình chịu chết rồi sống lại thì đức công nghĩa toàn vẹn của Ngài phủ che hết mọi lỗi lầm, khiếm khuyết của chúng ta. Thời gian hành đạo của Ngài cho ta thấy đức vâng phục tuyệt đối của Ngài, Ngài đã đáp ứng trọn vẹn mọi điều kiện Thiên Phụ đặt ra để cứu rỗi nhân loại. Greshem Machess, học giả nổi tiếng về Tân Ước của thế kỷ 20 cho rằng, chúng ta cần phải"Ca ngợi Đức Chúa Trời vì sự vâng lời tuyệt đối của Đấng Christ."

(c) 2024 svtk.net