Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 9

Chết Ðể Sống

I Cô-rinh-tô 15:35-49

"Chúng ta đã mang ảnh tượng của người thuộc về đất, thì chúng ta cũng sẽ mang ảnh tượng của người thuộc về trời" (c.49).

Câu hỏi suy ngẫm: Phao-lô dựa vào điều gì để lý luận về sự sống lại? Bạn học được điều gì về sự sống lại qua phân đoạn này? Niềm hy vọng của bạn thế nào khi biết rõ hơn về sự sống lại?

Sau khi minh chứng rằng người chết sống lại là điều chắc chắn sẽ xảy ra, Phao-lô cho biết điều đó sẽ xảy ra như thế nào. Phao-lô phải nói đến vấn đề nầy vì có một số người chế nhạo, cho rằng khi thân xác đã chôn dưới lòng đất thì bị hủy hoại, không còn hình thể, làm sao sống lại được; hoặc nếu có sống lại đi nữa thì cũng không còn hình thể để mà nhập vào. Phao-lô dựa vào cả thiên nhiên và Kinh Thánh để cho thấy rằng việc đó có thể xảy ra được. Ông gọi những người lý luận như vậy là vô căn cứ, không biết dựa vào thiên nhiên để quan sát, học hỏi.

Hai vấn đề Phao-lô phải giải thích là: (1) Sự sống lại bắt nguồn từ đâu? (2) Ðặc điểm của một thân thể sống lại.

Dựa vào thiên nhiên, chúng ta thấy rằng bất cứ vật gì chúng ta gieo, trước hết phải chết đi rồi mới sống lại được (Giăng 12:24). Hột giống khi mọc lên không còn giữ hình thể của hột giống đó nữa, nhưng mang lấy một hình thể khác. Trong các câu 39 đến 41, Phao-lô chỉ muốn cho thấy mỗi loài đều có hình thể riêng do Chúa ban cho. Các câu nầy cũng cho thấy thuyết luân hồi, biến hóa từ kiếp nầy sang kiếp khác là điều không thể xảy ra được vì mỗi loài có cơ thể khác nhau. Cũng giống như hột giống khi gieo xuống đất có một hình thể khác nhưng khi mọc lên lại là một hình thể khác, Phao-lô cho biết thân thể của loài người khi sống lại cũng như vậy. Ông mô tả thân thể sống lại bằng những từ ngữ: không hay hư nát, vinh quang và thiêng liêng, để đối chiếu với thân xác hiện tại là hay hư nát, nhục, yếu và huyết khí."Nhục" hàm ý không có gì vinh dự nơi một xác chết,"yếu" là không có sức mạnh và"huyết khí" là từ ngữ để mô tả thân xác bằng xương bằng thịt, khác hẳn với thân xác thiêng liêng Chúa ban cho chúng ta sau nầy. Thân thể đó không bị giới hạn bởi thời gian và không gian cũng giống như thân thể của Chúa sau khi sống lại (Giăng 20:19). Phao-lô dùng hình ảnh của A-đam và Chúa Giê-xu để cho chúng ta thấy rằng A-đam là người lưu truyền cho chúng ta thể xác bằng xương bằng thịt, còn Chúa Giê-xu ban cho chúng ta thân xác thiêng liêng. Là con cháu của A-đam, chúng ta đã có thân xác bằng xương bằng thịt thì một ngày kia khi sống lại, chúng ta cũng mang thân xác thiêng liêng giống như Chúa Giê-xu.

Phân đoạn Kinh Thánh nầy giúp chúng ta hiểu được những điều huyền nhiệm về thân xác con người sau khi sống lại. Chỉ cần quan sát thiên nhiên chúng ta biết mình sẽ được sống lại với một thân thể khác, vinh quang vượt hẳn thân xác hiện tại. Ðó cũng chính là niềm tin và hy vọng của người thuộc về Chúa.

Xin giúp con thấy được hình ảnh vinh quang của thân thể con sau khi sống lại để con không sợ thân thể nầy phải mất đi vì biết rằng con sẽ được sống lại với một thân thể tốt đẹp hơn.

(c) 2024 svtk.net