Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 25

Sống Cho Đức Chúa Trời

I Phi-e-rơ 4:1-11

"... Còn sống trong xác thịt bao lâu thì ... phải theo ý muốn Đức Chúa Trời" (c.2).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao người tín hữu không được sống theo sự ưa thích riêng? Mục đích của đời sống người theo Chúa là gì (c.2b)? Sống theo ý muốn Đức Chúa Trời chúng ta nhận kết quả nào? Hãy liệt kê những điều mà chúng ta phải sống trong sự khôn ngoan, tỉnh thức vì ngày Chúa đã gần (c.8-11). Bạn sống cho Đức Chúa Trời thế nào?

Việc xã hội hất hủi tín hữu làm nổi bật khác biệt giữa lối sống của đời với lối sống tin kính (c.4). Kinh nghiệm đau thương của sự hất hủi đó vạch rõ cho người tín hữu thấy được điều mà đời sống họ phải hoàn toàn tập trung vào: làm theo ý muốn Đức Chúa Trời (c.2). Thay vì khiến họ nản lòng, việc họ chịu khổ vì trung thành với Chúa Giê-xu, xác nhận họ đã dứt khoát đoạn tuyệt với nếp sống xưa cũ. Họ đã hoàn toàn đầu tư mình cho việc đi theo tiếng gọi của Đức Chúa Trời, và được khích lệ theo dõi sự đầu tư đó đạt tới đích đã hứa.

Nhưng còn những Cơ Đốc nhân không gặp chống đối niềm tin thì sao? Họ sẽ áp dụng lời Phi-e-rơ như thế nào đây? Sự chịu khổ của những anh chị em trong quá khứ và hiện tại cũng làm chứng cho sự đoạn tuyệt giữa chúng ta với con đường thế gian. Cuộc đấu sức tột độ của họ nhắc rằng chính chúng ta sẽ không bao giờ được thoải mái trong xã hội mình. Báp-têm của chúng ta trong Đấng Christ cũng đánh dấu sự phân rẽ giữa chúng ta với lối sống được cổ vũ giữa vòng người vô tín. Đã chịu báp-têm vào trong sự chết của Đấng Christ, chúng ta đồng chết với Ngài về "những ham muốn xấu xa của con người" và cùng sống với Ngài để làm theo ý muốn Đức Chúa Trời (c.2). Điều Phi-e-rơ nói với những tín hữu bị bắt bớ, thì Phao Lô cũng nói với mọi tín hữu khi ông kêu gọi chúng ta sống chân lý của báp-têm mình bằng cách chấm dứt sống cho tội lỗi, mà phải dâng quãng đời còn lại của mình để phục vụ Đức Chúa Trời.

Sống cho Đức Chúa Trời có nghĩa là chúng ta chấp nhận vai trò quản gia - không phải chủ - đối với thì giờ, tài năng cùng tài nguyên của mình: tất cả đều là ơn của Đức Chúa Trời mà chúng ta nhận được nhằm mục đích phục vụ người khác (c.10). Mỗi người được kêu gọi sốt sắng khám phá ra ơn của mình và dùng chúng để phục vụ người khác qua lời nói cùng hành động. Với thái độ đó, chúng ta có thể sử dụng chính mình cho nhu cầu của người khác không chút miễn cưỡng.

Lạy Chúa, con không biết mình đối diện điều gì hôm nay, hoặc sẽ gặp cơ hội nào để phục vụ Ngài. Xin giúp con trung tín phục vụ Ngài.

(c) 2024 svtk.net