Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 5

Sự Giả Vờ Tai Hại.

Sáng-thế Ký 20:1-18

"Ta cũng biết ngươi vì lòng ngay thẳng mà làm điều đó, bởi cớ ấy, ta mới ngăn trở ngươi phạm tội cùng ta và không cho động đến người đó" (câu 6).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Áp-ra-ham nói dối? Ông đã biện minh cho việc nói dối như thế nào? Đức Chúa Trời đã can thiệp như thế nào để giải cứu Sa-ra? A-bi-mê-léc đã phản ứng ra sao khi biết mình làm điều sai trái? Khi biết mình làm điều sai trái bạn có phản ứng nào?

Theo sự phát hiện của các nhà khảo cổ học, vấn đề vừa là em gái vừa là vợ là một việc hết sức phức tạp trong nền văn hóa Trung Đông thời xa xưa. Một người đàn ông có thể "thông qua" vợ mình để có thể xem nàng là "em gái",việc này sẽ làm cho nàng đó được một địa vị hợp pháp trong xã hội và nhờ đó đến phiên các con của nàng sẽ hưởng được nhiều quyền lợi. Hơn nữa, trong một xã hội theo chế độ mẫu hệ, người ta không xem Áp-ra-ham và Sa-ra là anh em, bởi vì họ cùng cha khác mẹ vì thế họ có thể trở thành chồng thành vợ với nhau. Trái lại trong xã hội theo chế độ phụ hệ việc làm như thế là loạn luân, bị nghiêm cấm. Vì thế A-bi-mê-léc đã không ngần ngại chiếm lấy Sa-ra làm vợ. Nhưng đây chỉ là vấn đề văn hóa và phong tục, giờ đây chúng ta sẽ xét đến những khía cạnh khác của câu chuyện. Trước tiên, lý do Áp-ra-ham nói dối là ông muốn tự bảo vệ mình. Chắc chắn có sự đồng tình của Sa-ra vì bà không muốn chồng gặp nguy hiểm trong một xã hội mà ông cho là vô đạo, không ai kính sợ Đức Chúa Trời (c.11). Bà đã giả vờ xem như bà không phải là vợ của Áp-ra-ham. Làm như thế thật nguy hiểm, chỉ đem sự an toàn giả tạo cho Áp-ra-ham nhưng đem sự nguy khốn cho biết bao người nếu Đức Chúa Trời không đưa tay ra can thiệp. Bình an sao được khi người vợ yêu dấu của mình bị người ta bắt đi, không biết an nguy ra sao? Vui sao được khi Sa-ra phải xa lìa chồng và bị buộc phải trở thành vợ của người khác! Thật là một sự lừa dối và giả vờ đầy tai hại. Trong xã hội ngày nay vẫn có sự giả vờ như thế để "cứu nguy" cho một ai đó hoặc tệ hại hơn là để đạt được một lợi ích nhơ bẩn nào đó mà người kính sợ Chúa cần phải tránh. Kế đến, không phải một mình Sa-ra gặp nguy hiểm mà cả nhà A-bi-mê-léc cũng vậy. Khi biết được sai lầm của mình ông đã thành thật ăn năn, chuộc lỗi. Một việc làm rất đáng trân trọng đối với một người không tôn thờ Đức Chúa Trời như A-bi-mê-léc. Đôi lúc chúng ta cũng như Áp-ra-ham vì thành kiến đã đánh giá sai về những người đang sống chung quanh. Chúng ta cần nhờ cậy Chúa điều chỉnh lại cái nhìn của chúng ta về những người chung quanh. Cuối cùng, dầu Đức Chúa Trời không hề quở trách Áp-ra-ham mà Ngài còn gọi ông là tiên tri của Ngài để cầu thay cho A-bi-mê-léc. Nhưng người quở trách ông lại là A-bi-mê-léc. Dầu Áp-ra-ham có viện dẫn lý do nào đi chăng nữa thì việc làm của ông suýt gây họa lớn cho nhiều người. Chỉ vì sự an nguy của bản thân mà Áp-ra-ham đã để cho một người thế gian quở trách là việc làm đáng trách. Là con dân của Chúa chúng ta nhất quyết chỉ làm những điều đáng tôn, vì danh Chúa trên hết để không ai quở trách chúng ta và gièm chê đạo thật của Ngài.

Lạy Chúa xin giúp con luôn trung thực trong lời nói và việc làm để Danh Ngài luôn được tôn cao tại nơi con đang sống.

(c) 2024 svtk.net