Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 6

Giữ Lời Hứa

Sáng-thế Ký 21:1-21

"ức Giê-hô-va đến viếng Sa-ra, theo như lời Ngài đã phán, và làm cho nàng như lời Ngài đã nói" (câu 1).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Chúa hứa rồi bắt Áp-ra-ham và Sa-ra chờ đến 25 năm mới ban Y-sác cho ông bà? Bạn nghĩ Sa-ra cảm thấy thế nào khi Áp-ra-ham đặt tên con là Y- sác? Áp-ra-ham cảm thấy thế nào khi đuổi A-ga và Ích-ma-ên đi? Bạn học và áp dụng được điều gì vào đời sống hằng ngày qua bài học này?

Chắc chắn là Áp-ra-ham và Sa-ra không thiếu thứ gì trừ đứa con của lời hứa. Giờ đây "đứa trẻ của phép lạ" ra đời khiến cho lời hứa của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham được thành tựu và đem lại sự vui mừng khôn xiết cho đôi vợ chồng đã trăm tuổi này. Y-sác có nghĩa là cười. Lần này Sa-ra cười vì hạnh phúc và vui sướng chứ không còn cười trong sự hoài nghi và yếm thế như lần trước. Cơ Đốc nhân cần phân biệt sự khác nhau của cách cười. Có những cái cười châm chọc gây sự phẫn nộ, bất bình (c.8,9), cũng có những cái cười kiêu ngạo, phàm tục, vô vị và bí hiểm. Chúng ta không nên khuyến khích hay dung dưỡng những cái cười như vậy. Chúa không cấm những nụ cười hóm hỉnh và ý nhị. Nhưng chúng ta phải cười như thế nào để chẳng những mọi người cùng vui thỏa mà các thiên sứ cũng mỉm cười với chúng ta. Cho nên trước khi cất tiếng cười, hay là muốn góp vui chúng ta nên tự hỏi lòng rằng cười như thế hay kể những chuyện vui như thế hoặc góp vui bằng một cách nào đó có đem lại sự gây dựng hay không. Mong rằng mỗi Cơ Đốc nhân đều luôn có nụ cười rạng rỡ, thánh thiện phát xuất từ niềm vui trong sáng, chân thật và lâu bền ở bên trong. Việc phát hiện một số văn tự cổ hình nêm giúp giải thích tại sao Sa-ra yêu cầu Áp-ra-ham đuổi A-ga và Ích-ma-ên đi. Một người đàn ông trong cương vị của Áp-ra-ham có thể ban sự tự do cho một người mẹ nô lệ và con của nàng; như thế có nghĩa đứa trẻ sẽ được đền bù tất cả quyền lợi mà nó được hưởng. Một khi việc này xảy ra thì Ích-ma-ên là con trưởng sẽ ưu tiên là người thừa kế vì thế Sa-ra đã tìm cách để bảo đảm rằng con trai của bà là người thừa kế duy nhất. Trong chuyện này tình cảm tự nhiên của Áp-ra-ham đối với Ích-ma-ên chỉ chiếm chỗ thứ yếu trong việc thực hiện mục đích của Đức Chúa Trời vì thế ông phải đành lòng đuổi A-ga và đứa con trai ngoài lời hứa hay đứa con của ý riêng ra đi. Tình tiết này cũng tiên báo về một thử thách khắc nghiệt hơn xảy ra trong chương tiếp theo để xem Áp-ra-ham có tuyệt đối vâng lời Đức Chúa Trời hay không. Trong cuộc đời chúng ta có những lúc không được vui trọn hay có những lúc niềm vui và những nỗi buồn, nỗi đau cứ đan xen nhau mà chúng ta không hiểu tại sao. Những lúc như vậy chúng ta nên tự tra xét mình xem có "những đứa con của ý riêng" nào trong cuộc đời hay không và cầu xin Chúa tha thứ và can đảm xa lìa chúng như Áp-ra-ham, chắc chắn niềm vui sẽ trở lại lâu dài với chúng ta mà không có sự đau lòng lẫn vào. Phao lô đã dùng câu chuyện này để chống lại những người Do Thái theo chủ nghĩa luật pháp (Ga-la-ti 4:21-23). Ích-ma-ên là con nô lệ, một biểu tượng cho những người khư khư cho rằng bởi việc làm của luật pháp mà được Đức Chúa Trời chấp nhận. Y-sác tượng trưng cho sự tự do của Cơ Đốc nhân, xuất phát từ sự thật rằng họ là "con của lời hứa" được sinh bởi ân sủng của Đức Chúa Trời, chứ không phải nỗ lực của con người.

Cám ơn Chúa, con thật vui mừng vì được sinh lại bởi ân sủng của Ngài.

(c) 2024 svtk.net