Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 27

Nơi Nương Náu

Thi-thiên 16:1-6

"Tôi đã nói cùng Đức Giê-hô-va rằng: Ngài là Chúa tôi, trừ Ngài ra tôi không có phước gì khác" (câu 2).

Câu hỏi suy ngẫm: Vì sao Đa-vít nương náu mình nơi Chúa? Trong quyết định này của Đa-vít, ông nhận biết gì về Chúa, về người thuộc về Ngài? Nơi đâu bạn nương cậy? Chọn lựa quyết định đó và thực hiện dễ hay khó đối với bạn?

Thi-thiên 16 là một lời cầu nguyện nói lên nguyện ước của tác giả. Điều Đa-vít cầu xin Chúa là: "Hãy phù hộ tôi".Phù hộ nghĩa là giúp đỡ, bảo vệ, giải cứu, ban ơn... tất cả những gì chúng ta trông mong khi đến nhờ cậy người khác. Đa-vít nói rằng ông nương náu mình nơi Chúa nên xin Chúa phù hộ ông. "Nương náu" nghĩa là xem Chúa là nơi nương tựa, chỗ ẩn nấp, nơi cho tôi ty nạn. Chúng ta đi đến một nơi khác để tÿ nạn vì biết nơi ấy sẽ mang lại cho mình an ủi, giúp đỡ. Nơi ty nạn của chúng ta chính là Thiên Chúa toàn năng, Ngài sẽ ban cho tất cả những gì chúng ta cần, tương tự như những điều người ta trông chờ ở một tổ chức thiện nguyện. Tuy nhiên, có một điều khác biệt là trong Chúa có tình yêu thương thật và chính Chúa là Nguồn cung cấp vô tận.

Đa-vít quyết định nương cậy Chúa hoàn toàn và ông cầu xin Chúa phù hộ, vì cả đời ông có một sở nguyện: "Ngài là Chúa tôi, trừ Ngài ra tôi không có phước gì khác." Là một vị vua, nhưng Đa-vít tôn Chúa làm Chủ của đời sống và ngoài Ngài ra ông không ao ước điều gì khác. Chúng ta cũng cần có một tâm tình như Đa-vít xem Chúa là nơi cho ta tÿ nạn, là nguồn phước duy nhất của đời ta. Với niềm ao ước đó, chúng ta sẽ không bao giờ thất vọng vì Chúa chắc chắn sẽ phù hộ, ban ơn, bảo vệ và tiếp trợ chúng ta.

Câu 3 hơi khó hiểu, chúng ta có thể diễn ý như sau: "Tôi yêu thích những người thánh trên đất, họ là những bậc cao trọng." Đa-vít yêu thương những người thánh, người thuộc về Chúa, tôn thờ Ngài. Chữ "thánh" trong Thánh Kinh chỉ về sự phân cách hay dành riêng. Người thánh là người phân cách với đời và biệt riêng đời sống cho Chúa. Vì vậy họ là những bậc cao trọng, đáng kính nể vì chọn con đường đúng.

Chữ "buồn rầu" trong câu 4 được dùng để đối chiếu với chữ "yêu thích" ở câu trước. Đa-vít yêu thích người thuộc về Chúa, còn người thờ thần khác chỉ có buồn rầu, vì không tôn thờ Chúa người ta không thể nào có được niềm vui thật sự.

Từ ngữ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong hai câu 5 và 6 là "cơ nghiệp".Cơ nghiệp là phần tài sản chúng ta được thừa hưởng từ cha mẹ. Trong Thánh Kinh Cựu Ước, đó là phần tài sản người con trưởng được hưởng. Khi tác giả nói: "Đức Giê-hô-va là phần cơ nghiệp của tôi," ông muốn nói rằng: Chúa là tất cả cho tôi, tôi cần điều gì, Ngài cũng cung cấp cho tôi đầy đủ.

Ngoài chữ "cơ nghiệp",tác giả còn dùng một từ ngữ khác để nói lên mối liên hệ giữa ông với Chúa. Ông gọi Ngài là "cái chén của tôi".Cái chén là đồ dùng để uống nước, một vật dụng liên quan đến lương thực. Gọi Chúa là cái chén hàm ý Ngài là nguồn cung cấp thực phẩm. Có Chúa, ta sẽ không thiếu thốn gì.

Câu: "Đức Giê-hô-va là phần cơ nghiệp và là cái chén của tôi" có thể đọc lại như sau: Thiên Chúa là tất cả, Ngài cung cấp cho tôi mọi nhu cầu. Ngài ban cho tôi lương thực, tôi sẽ không bao giờ bị thiếu thốn. Kinh nghiệm của tác giả cũng sẽ là kinh nghiệm của mỗi chúng ta nếu chúng ta nương cậy nơi Chúa hoàn toàn.

Chúa chẳng những cung cấp mọi thứ cần dùng, Ngài cũng là Đấng tiếp tục bảo vệ và giữ gìn. Tác giả nói: "Ngài gìn giữ phần của tôi." Với kinh nghiệm đó, ông ca ngợi Chúa, bày tỏ lòng biết ơn về cơ nghiệp Chúa dành cho ông và kể đó là một đặc ân. Ông nói: "Tôi may mắn được phần cơ nghiệp ở trong nơi tốt lành, phải, tôi có được cơ nghiệp đẹp đẽ." Đó là cách xác nhận niềm vui và sự tiếp trợ đặc biệt đến từ thiên thượng.

Cảm tạ Chúa Ngài là cơ nghiệp, là phước hạnh của đời con.

(c) 2024 svtk.net