Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 12

Thanh Niên Và Hoạn Nạn

Sáng-thế Ký 37:1-36

"Ta sẽ ở cùng ngươi..., ta sẽ không lìa không bỏ ngươi đâu" (Giô-suê 1:5).

Câu hỏi suy ngẫm: Giô-sép là ai? Theo đoạn Kinh Thánh này bạn biết gì về cá tính của Giô-sép? Của các anh Giô-sép? Nhìn lại mối liên hệ giữa bạn và người khác, bạn có những tính tốt, xấu nào của Giô-sép và của các anh Giô-sép? Hãy đến xin Chúa giúp bạn phát triển tính tốt và từ bỏ tính xấu.

Giô-sép là một thanh niên tin kính Chúa và được Chúa cất nhắc lên địa vị cao trọng trong xã hội, nhưng quảng đời thanh xuân, ông đã nếm trải biết bao khó khăn hoạn nạn. Là con muộn, Giô-sép được cha yêu chuộng hơn các anh. Thêm vào đó, Giô-sép lại nằm mơ và thuật lại cho gia đình nghe những giấc mơ cho thấy tương lai ông sẽ vượt trổi các anh. Những điều ấy khiến các anh của Giô-sép từ ganh tÿ đến thù ghét, và cuối cùng là mưu sát. Cơ hội thuận tiện khi Giô-sép theo lệnh cha lặn lội đến thăm các anh đang chăn chiên. Khi thấy Giô-sép còn ở xa, các anh đã bàn định chương trình để giết Giô-sép. Họ bắt Giô-sép, lột áo ông, và quăng ông xuống hố. Sau đó họ đổi ý: thay vì giết, họ đã bán Giô-sép làm nô lệ. Qua những việc làm của các anh, chúng ta rút ra bài học:

1. Sự đồng tâm. Xưa vì ganh tÿ giận hờn mà Ca-in đã giết A-bên em mình. Việc làm của ông để lại tiếng xấu ngàn đời. Nhưng ấy chỉ là việc làm của một người. Nay, chín người, chín anh em đồng lòng giết một đứa em hiền lành, đạo đức, đứa em quan tâm và băng đồng, lội suối để tìm đến thăm các anh.

2. Sự nhẫn tâm. Chương 42:21 ghi lại lời các anh nhắc lại việc này vào hai mươi năm sau: "Họ nói với nhau rằng: Quả thật chúng ta cam tội cùng em ta rồi; vì lúc trước thấy tâm hồn nó buồn thảm khi nó xin nhờ ơn, nhưng ta không khứng cho; nên tai vạ này mới đến cho chúng ta." Giô sép chắc đã khóc lóc, van xin các anh thương xót, đừng hại mình, nhưng họ vẫn nhẫn tâm, tiếp tục làm thành mưu ác của mình. Trong khi đứa em khốn khổ đang buồn rầu, lo sợ nằm dưới đáy hố, họ thản nhiên ăn uống vui vẻ như không có việc gì xảy ra (c.5).

3. Sự giả hình. Khi thấy đoàn lái buôn Ma-đi-an đi ngang qua Giu-đa, lên tiếng: "Giết em ta mà giấu máu nó có làm được việc chi? Hè! Hãy đem bán nó cho dân Ích-ma-ên và đừng tra tay vào mình nó; vì nó là em, là cốt nhục của chúng ta" (c.27). Tính giết em, rồi thấy không có lợi gì, đổi ý đem bán nó làm nô lệ để có tiền xài! Vậy mà còn lên giọng đạo đức: đừng tra tay vào mình nó vì nó là cốt nhục của chúng ta.

4. Sự nhút nhát. Ru-bên có ý định cứu Giô-sép từ đầu. Nhưng mưu tính của ông sụp đổ vì ông không can thiệp đúng mức, đúng lúc. Đáng lẽ ra ông phải mạnh dạn lên tiếng cản ngăn không cho các em bắt đầu việc ác. Nếu làm như vậy, dầu thành công hay không, ông cũng đem an ủi cho Giô-sép, vì ít ra cũng có người thông cảm, thương xót, bênh vực mình. Nhưng ông đã nhát sợ và yên lặng. Và Giô-sép đã chịu nạn trong cô đơn.

Khi gặp hoạn nạn, nhiều khi người có thiện cảm với chúng ta nhất cũng vì nhút nhát mà xa lánh, làm thinh, không dám lên tiếng, không dám tỏ lòng thông cảm. Giô-sép không tuyệt vọng, vì ông biết nơi quê nhà người cha già yêu quý mãi mãi thương nhớ ông, và Cha Thiêng Liêng không lìa không bỏ ông. Bạn có đang gặp hoạn nạn chăng? Bạn có thấy thấm thía tình người đen bạc như Giô-sép kinh nghiệm chăng? Hãy nhớ rằng Cha Thiêng Liêng của chúng ta vẫn ở cùng, Ngài chẳng lìa chẳng bỏ chúng ta. Ngài có một chương trình tốt đẹp cho con dân Ngài và Ngài sẽ ra tay cứu vớt chúng ta đúng thời điểm. Chúng ta không biết thời khóa biểu của Chúa, nhưng Chúa biết và Ngài không chậm trễ. Hơn nữa, như Gia-cốp đã khóc con không chịu nguôi ngoai, Chúa đang cùng khóc với bạn trong hoạn nạn của bạn. Bạn có chứng kiến anh em mình đang gặp hoạn nạn chăng? Hãy coi chừng kẻo chúng ta có thể giống như các anh của Giô-sép hoặc đồng tâm, nhẫn tâm mưu hại, hoặc giả hình, hay nhút nhát không dám cứu giúp. Chúa vẫn hoàn thành chương trình tốt của Ngài dầu chúng ta sai trật. Những người sai trật sẽ như các anh của Giô-sép, họ bị dày vò, ân hận suốt đời.

Lạy Chúa, xin giúp con sống theo điều Chúa dạy, yêu người khác như chính mình.

(c) 2024 svtk.net